“Nơi chúng tôi học tập”

Rời xa gia đình, tôi cũng như tất cả các bạn du học sinh đều mang theo bao ước mơ và hoài bão đến đất nước Việt Nam. Chúng tôi bắt đầu học tiếng Việt một năm tại Đoàn 871, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam vào năm 2019. Năm 2020, tôi và những người bạn bắt đầu chuyển sang học chuyên ngành của mình tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

leftcenterrightdel

Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. 

Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và nguồn nhân lực văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí, văn thư lưu trữ cho Quân đội, đất nước và quốc tế, trong đấy có học viên Việt Nam và Lào. Nhà trường có đội ngũ cán bộ giảng viên trẻ luôn đi đầu trong công tác đổi mới phương pháp đào tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin vào giảng dạy. Đặc biệt, đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là các giáo sư, nhà giáo đầu ngành có nhiều kinh nghiệm. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của trường tương đối khang trang với hệ thống phòng học, trang thiết bị giảng dạy hiện đại và đồng bộ để phục vụ các chuyên ngành đào tạo.

Năm đầu tiên học tập tại trường, chúng tôi gặp không ít khó khăn về ngôn ngữ, phong tục tập quán và những món ăn tại Việt Nam. Tuy nhiên với sự giúp đỡ nhiệt tình của thầy cô giáo và bạn bè tại Việt Nam đã khiến chúng tôi nhanh chóng hòa nhập và đạt kết quả học tập tốt.

leftcenterrightdel

Học viên Lớp đại học báo chí quân sự Lào đi thực tập tại Báo Nhân Dân. 

“Việt Nam là ngôi nhà và quê hương thứ hai của mình”

Trong quá trình học tập, giao lưu, tôi thật sự ngạc nhiên bởi sự tự tin và khả năng nói tiếng Việt của đồng chí Chuẩn úy Phaylin BounYang, học viên năm thứ 4, Lớp Đại học Báo chí Quân sự Lào K1, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Phaylin cho biết: “Khi mới sang học tập tại Việt Nam, mình cũng như nhiều bạn học viên Lào gặp rất nhiều khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ, phong tục tập quán, khí hậu, nhất là món ăn. Sau một năm học tiếng Việt và học tập tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, giờ đây, mình đã thành thạo tiếng Việt, bắt kịp chương trình học tập, ngày càng quen về phong tục tập quán ở Việt Nam, mình coi đây như ngôi nhà và quê hương thứ hai của mình”.

Phaylin còn chia sẻ thêm rằng, học tiếng Việt giao tiếp không quá khó, vì tiếng Việt dễ nhớ và cách viết cũng như tiếng Anh, khó nhất là những từ ngữ chuyên ngành. Được sự giúp đỡ tận tình của thầy cô và các bạn người Việt cùng với nỗ lực phấn đấu của bản thân, Phaylin dần dần bắt nhịp và thấy mọi thứ dễ dàng hơn rất nhiều. Đặc biệt, những ngày lễ Tết, dù ở xa gia đình nhưng nhà trường đã tổ chức các hoạt động giống như ở đất nước Lào để các du học sinh không còn cảm giác xa nhà. Điều đó đã khiến các học viên thấy ấm lòng và rất ấn tượng khi được học tập tại Việt Nam.

Đại úy Kham Xay Phom maSan, lớp Đại học Báo chí Quân sự Lào K1, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội cho bày tỏ: “Tôi gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình du học tại Việt Nam. Thế nhưng, giờ đây, tôi lại mong muốn sau khi học xong vẫn sẽ tiếp tục ở lại làm việc nếu như có cơ hội”.

leftcenterrightdel

Học viên Lớp Đại học Báo chí Quân sự Lào tham gia chương trình do Khoa tổ chức. 

“Con người Hà Nội và các bạn bè tại Trường thân thiện, ẩm thực cũng rất thú vị, đặc biệt là các bạn nữ dễ thương và rất xinh. Sau 3 năm học tập ở đây, giúp tôi hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam cũng như mảnh đất Hà Nội nói riêng, kể cả những vùng sâu, vùng xa. Hà Nội có rất nhiều điểm du lịch đẹp, nổi tiếng. Các bạn học viên Việt Nam rất hiếu học và tốt bụng, họ luôn tận tình, giúp đỡ du học sinh chúng tôi trong cuộc sống cũng như học tập”, Đại úy Micky Keo SuVanh, Lớp đại học Báo chí Quân sự Lào K1 tâm sự.

Hợp tác đào tạo nhân lực cho nước bạn Lào

Thượng tá Nguyễn Hữu Toàn, Hệ trưởng hệ Quản lý học viên, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội cho biết, trong quá trình hơn 20 năm tiếp xúc với học viên Lào, nhà trường thường xuyên quan tâm đến các du học sinh, hỗ trợ các em về chỗ ăn, chỗ ở,…và các điều kiện học tập để các em cảm thấy nơi đây như gia đình của mình, có động lực học tập thật tốt để trở về phục vụ quê hương, đất nước.

Hằng năm, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục, tuyên truyền giúp cho học viên của 2 nước hiểu thêm về tình đoàn kết hữu nghị đặc giữa Việt Nam và Lào như: Tết Bunpimay (Tết cổ truyền của Lào), Tết Nguyên đán Việt Nam, các hoạt động chào mừng ngày Quốc khánh Lào, các cuộc thi tìm hiểu về văn hóa Việt - Lào, thi thể thao, văn nghệ,…

Ngoài ra, trường còn tổ chức cho các học viên Lào được đi tham quan học tập ngoại khóa, trải nghiệm tại các di tích lịch sử cách mạng, các cơ quan báo chí như: Báo Quân đội nhân dân, Hội Nhà báo Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Báo Nhân Dân,…

leftcenterrightdel

Lớp Đại học Báo chí Quân sự Lào đi tác nghiệp và tham dự kỷ niệm 60 năm thành lập Viện Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền).

Để thực hiện nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng giao cho về đào tạo nhân lực cho nước Lào, thời gian qua, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã tiếp nhận đào tạo hơn 200 học viên Lào và hàng năm nhà trường tiếp đón, đào tạo hơn 10 học viên Lào ở các chuyên ngành như: Biểu diễn nhạc cụ phương Tây, biên đạo múa, huấn luyện múa, đạo diễn sân khấu, diễn viên kịch - điện ảnh, đặc biệt là chuyên ngành Báo chí.

Đại tá, Thạc sĩ Nguyễn Mai Kiên, Trưởng phòng Đào tạo cho biết: “Phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới, nhà trường tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học viên Lào đang theo học, đặc biệt đảm bảo các chế độ chính sách của Nhà nước theo quy định, tiếp tục giữ mối liên hệ, thúc đẩy công tác tuyển sinh Lào, tiếp nhận các du học sinh Lào theo tình hình thực tế”.

Có thể nói, sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội với các cơ quan chuyên nghiệp của đất nước Lào trên lĩnh vực giáo dục đã góp phần bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Lào, đồng thời vun đắp mối quan hệ đặc biệt, tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước Việt-Lào.

Là một học viên lớp Đại học Báo chí quân sự Lào K1, đang học tập tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, tôi rất biết ơn Ban giám hiệu nhà trường, cán bộ, các thầy cô và bạn bè đã luôn quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện cho chúng tôi được học tập, nâng cao kiến thức về chuyên môn để khi chúng tôi trở về nước, phục vụ lâu dài trong quân đội và góp phần xây dựng đất nước Lào ngày càng vững mạnh. Bên cạnh đó, tiếp tục góp phần xây đắp tình đoàn kết hữu nghị giữa Nhà nước, Quân đội, cũng như nhân dân hai nước Lào-Việt Nam “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.

SỔM PHON