Cặp vợ chồng này cho biết sẽ sử dụng công nghệ bào chế vaccine ngừa Covid-19 để nghiên cứu chế tạo ra loại vaccine chống lại căn bệnh ung thư. 

Nhà khoa học Tureci là đồng sáng lập BioNTech-hãng đã phối hợp với hãng dược phẩm Mỹ Pfizer để điều chế vaccine ngừa Covid-19 mang tên Comirnaty. Vaccine của BioNTech-Pfizer được cấp phép sử dụng ở Anh hồi đầu tháng 11-2020 và ở Mỹ sau đó một tuần. Hàng chục triệu người đã được tiêm vaccine BioNTech-Pfizer từ tháng 12-2020.

Vợ chồng bà Tureci nhận Huân chương Danh dự của Nhà nước Đức. Ảnh: AP  

Trong mục tiêu mới của mình, nhà khoa học Tureci cho biết, bà đang tìm cách sử dụng hệ thống miễn dịch của cơ thể để tiêu diệt các tế bào ung thư bằng cách áp dụng công nghệ ARN thông tin (mRNA). Khi điều chế vaccine ngừa Covid-19, bà cũng đã áp dụng công nghệ này, theo đó mRNA được đưa vào cơ thể để kích hoạt hệ thống miễn dịch tấn công một loại virus cụ thể. Bà cùng chồng dự đoán có thể áp dụng nguyên tắc tương tự để kích thích hệ thống miễn dịch tấn công các khối u. 

Cần phải nói thêm rằng, chính nền tảng về nghiên cứu mRNA của vợ chồng bà Tureci đã cho phép họ phát triển vaccine ngừa Covid-19 trong khoảng thời gian ngắn bất thường (dưới một năm). Vaccine của BioNTech-Pfizer trở thành mũi chủng ngừa Covid-19 đầu tiên được cung cấp trên thế giới.

Trước đó, BioNTech đã nghiên cứu ra một số loại vaccine ung thư khác nhau dựa trên công nghệ mRNA. Trên cương vị Giám đốc Y khoa của BioNTech, bà Tureci hy vọng trong vài năm tới sẽ có thể bào chế được vaccine chống ung thư cho mọi người. 

Tuy nhiên, thách thức mà BioNTech gặp phải hiện nay là làm thế nào để tiến hành các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn ở những khu vực khác nhau và mở rộng quy trình sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu toàn cầu, vì quy mô vốn của BioNTech còn nhỏ và chưa có sản phẩm đưa ra thị trường. Bà Tureci cho biết, BioNTech đang cố gắng bảo đảm vaccine ngừa Covid-19 được chuyển tới các nước theo đơn đặt hàng và sản phẩm này đối phó hiệu quả với bất cứ chủng virus đột biến nào.

Công ty công nghệ sinh học nhỏ BioNTech của vợ chồng bà Tureci được thành lập vào năm 2008, trước đây vốn không được mấy ai biết đến. Và công việc ban đầu của hai nhà khoa học này tập trung chủ yếu vào nghiên cứu các loại vaccine chống ung thư. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, BioNTech quyết định khởi động Dự án mang tên “Lightspeed” vào giữa tháng 1-2020 để áp dụng công nghệ mà họ đã nghiên cứu trong hai thập kỷ để phát triển vaccine ngừa Covid-19.

PHƯƠNG NAM