Mùa thu năm 1943, Hồng quân Liên Xô tiến đến thành phố Melitopol của Ukraine, nơi đã bị quân Đức biến thành một pháo đài. Một số nhà sử học so sánh những cuộc giao tranh đẫm máu nhằm giải phóng thành phố này của Ukraine với trận Stalingrad. Sau khi giải phóng Melitopol, có 79 chiến sĩ Hồng quân đã được phong tặng Huy chương Sao vàng vì lòng dũng cảm, đồng thời tại Moscow đã diễn ra buổi lễ chào mừng với 224 khẩu đại bác.

“Quân chúng tôi đã xuyên thủng các tuyến phòng ngự của kẻ địch. Chúng tôi cũng chịu tổn thất nặng nề”, Nguyên soái Liên Xô Sergei Biryuzov sau này viết lại trong hồi ký.

Những người lính Xô viết trên mặt trận trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945). Ảnh: Oleg Knorring/RIA Novosti  

Một trong những cuộc giao tranh trên đường phố đã trở thành định mệnh đối với Vasily Khailo. Khẩu đội đại bác 76mm, trong đó có một người lính trẻ là xạ thủ, đã chiếm được vị trí tại một vườn hoa thành phố và tại đây họ bị xe tăng và bộ binh Đức tấn công.

“Để tưởng nhớ những sự kiện đó, gia đình chúng tôi vẫn còn lưu giữ những tờ báo cũ kể về chiến công của bác tôi, Vasily Khailo. Chúng tôi trân trọng những bức ảnh và lá thư, nhưng dĩ nhiên phần lưu trữ chính do con trai của bác là Valery Khailo sống ở Orel cất giữ. Bởi khi bác qua đời, tôi vẫn chưa ra đời, trong khi anh họ tôi đã hai tuổi rưỡi”, anh Gennady Khailo nói.

Trên tờ báo tiền tuyến “Stalinskoe Znamya” cũ vàng, Thiếu tá Pyotr Knyazev viết về cách mà các chiến sĩ Trung đoàn pháo binh 321 đã chiến đấu: “Sau phát súng đầu tiên, quân Đức khai hỏa đáp trả. Khi khói tan, cả khẩu đội pháo chỉ còn sống sót người lính Hồng quân Vasily Khailo và Trung sĩ Grigory Frolkin, người bị thương nặng ở chân. Vasily đã chiến đấu cho cả khẩu đội. Ngay từ phát súng đầu tiên, anh đã hạ gục một chiếc xe tăng hạng nặng. Phát thứ hai hạ gục tiếp một chiếc khác khi nó vượt qua chiếc đầu tiên đang bốc cháy. Con đường hẹp bị chắn ngang bởi những chiếc xe tăng Đức bị bắn cháy và giao thông bị tắc lại. Một chiếc rẽ vào con hẻm nhỏ và nấp sau góc nhà, sau đó nã đại bác nhưng bị trượt. Vasily bắn vào góc nhà. Chiếc xe tăng bị gạch đổ lấp vào. Phát thứ hai trúng đống gạch và chiếc thứ ba bốc cháy”.

Người lính pháo binh đánh trả lính bộ binh Đức bằng lựu đạn, sau đó đưa người đồng đội bị thương vào bên trong ngôi nhà. Tại đó, anh đã bắn trả bằng súng trường. Quân phát xít lăn những thùng nhiên liệu đến tòa nhà và đốt chúng, nhưng Grigory Frolkin và Vasily Khailo nhất quyết không đầu hàng. Vasily lấy hộp thuốc lá kim loại của đồng đội mình ra, đặt các tài liệu vào đó và viết vội vào bên trong nắp đậy: “Trong ngôi nhà này, chiến sĩ cộng sản Grigory Frolkin và đoàn viên Vasily Khailo đã bị thiêu sống. Chúng tôi muốn một cái chết đau đớn trong lửa đạn hơn là sự đầu hàng đáng hổ thẹn. Hãy báo thù cho chúng tôi, các đồng đội thân yêu”.

Tuy nhiên, họ đã không tử trận. Thoát ra khỏi ngôi nhà đang cháy, Vasily Khailo ngã xuống và bất tỉnh, ngay sau đó tòa nhà đổ sụp và hai người lính Hồng quân được các mảnh vỡ che chắn tránh sự phát hiện của quân phát xít. Trong 4 ngày liền, họ nằm dưới đống đổ nát cho đến khi các đơn vị khác của Hồng quân Liên Xô đến.

Với việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu của Bộ chỉ huy nhằm phá vỡ vị trí kiên cố của quân Đức, giải phóng thành phố Melitopol và lòng dũng cảm, người lính Hồng quân Vasily Khailo đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô, Huân chương Lênin và Huy chương Sao vàng.

Sau khi xuất viện vào giữa tháng 1-1944, Vasily Khailo được điều sang phục vụ tại Trung đoàn bộ binh huấn luyện số 8. Đến tháng 2-1945, anh trở thành học viên sĩ quan tại Trường pháo binh Stalingrad, khi đó đóng tại thành phố Rostov-on-Don. Sau khi tốt nghiệp, anh tiếp tục phục vụ tại Trung đoàn pháo binh 345 đóng ở thành phố Uryupinsk, tỉnh Stalingrad.

 Năm 1943, người lính trẻ Vasily Khailo chỉ mới 19 tuổi. Ảnh: Nikolai Grishchenko/RG 

 

“Thật không may, khi những vết thương cũ tái phát. Cha tôi đã không còn sống để chứng kiến sinh nhật lần thứ 30 của mình khi chỉ còn 7 phút nữa. Ông sinh ngày 18-1-1924 và mất ngày 17-1-1953 tại một bệnh viện quân sự ở Stalingrad. Theo di nguyện, ông được an táng tại quê nhà ở làng Bolshaya Kirsanovka”, Valery Khailo, con trai của người lính trẻ anh hùng, chia sẻ.

Những người đồng hương luôn thành kính tưởng nhớ người chiến sĩ Hồng quân lừng danh này. Tên ông được đặt cho một ngôi trường và con đường chính trong làng, nơi sinh sống hiện nay của bà con người Anh hùng Liên Xô. Trong khi đó, học sinh địa phương thường xuyên tổ chức giải đấu bóng đá để tưởng nhớ đến ông.

QUỐC KHÁNH (theo RG.ru)