Nguyên tắc phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ được bổ sung thêm chức năng cơ quan nhà nước (như Ủy ban Nhà nước về xuất bản, in ấn và kinh doanh sách; Ủy ban Nhà nước về điện ảnh; Cơ quan quản lý nhà nước về văn học; Cơ quan quản lý nhà nước về xiếc…), cũng như các tổ chức sáng tạo được thành lập theo nguyên tắc quan liêu. Toàn bộ cơ chế này thường xuyên được kiểm soát chặt chẽ về tư tưởng và nhân sự từ phía Đảng Cộng sản Liên Xô, có sự phân chia nội bộ theo các cấp tương ứng (bao gồm Ban Chấp hành Trung ương Đảng, các khu ủy, thành ủy, quận ủy, đảng ủy) và theo chức năng (bao gồm các ban tuyên giáo, ban văn hóa,…).
Khi Liên Xô ở giai đoạn sụp đổ và vai trò của các cơ quan hành pháp ở Trung ương và địa phương bị suy yếu, hai nguyên tắc trái ngược được đưa ra. Theo đó: 1) Nhà nước và các cơ quan nhà nước không được can thiệp vào đời sống văn hóa, cũng như vào hoạt động của các nghệ nhân văn hóa có hoạt động sáng tạo được hình thành theo quy định nội bộ của họ; 2) Nếu không có sự hỗ trợ và điều tiết của nhà nước, thì văn hóa (nghệ thuật và khoa học) không thể tồn tại và có thể bị giảm quy mô và chức năng.
 |
Niềm phấn khởi tự hào của người dân Liên Xô trong giai đoạn phát triển kinh tế rực rỡ. Ảnh: GETTY. |
Mỗi quan điểm trái ngược này có thể được lý giải theo từng phần. Trong mọi xã hội, nhà nước hỗ trợ cho lĩnh vực văn hóa thông qua việc tài trợ ngân sách và cơ chế đặc thù hoặc chính sách xã hội. Tuy nhiên, việc thực hiện các nguyên tắc đa nguyên hóa, dân chủ hóa đã dẫn đến việc hỗ trợ từ nhà nước chắc chắn bị hạn chế. Do đó, văn hóa hoạt động ngày càng mạnh hơn khi phối hợp với các lĩnh vực xã hội khác, trước hết là với lĩnh vực kinh tế và thị trường, bao gồm cả thị trường văn hóa. Nhưng các lĩnh vực văn hóa đặc biệt bao gồm giáo dục và truyền thông giúp kết nối sự sáng tạo với khán giả và người tiêu dùng, cũng như với đại chúng.
Các cơ quan quản lý văn hóa
Mỗi quốc gia có cơ cấu hành chính riêng được thiết lập để thúc đẩy sự phát triển văn hóa. Vào những năm 1960 và 1970, tại nhiều nước đã xuất hiện Bộ Văn hoá với phạm vi hoạt động phần lớn bị giới hạn trong một số lĩnh vực. Chẳng hạn, ở Ấn Độ, công tác quản lý văn hóa được giao cho Bộ Giáo dục (có Cục Văn hóa); Bộ Thông tin và Phát thanh, Du lịch, Công chính, Xây dựng nhà ở, Nông nghiệp (có Ban Phát triển Cộng đồng), Thương mại và Thủ công nghiệp.
Sự hiểu biết rộng rãi về văn hóa được nhiều chính phủ áp dụng bao gồm giáo dục, truyền thông, du lịch, dịch vụ xã hội, giáo dục thanh niên. Rõ ràng, việc quản lý lĩnh vực rộng như vậy cần được thực hiện bởi các cơ quan khác nhau. Vì vậy, để điều phối hoạt động những cơ quan đó, người ta thành lập các ủy ban liên lạc giữa các cơ quan chính phủ hoặc các ủy ban của Quốc hội.
Bên cạnh các cơ quan nhà nước, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế cũng có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa. Nhiều hình thức cộng đồng, hội nhà văn và nhà báo, các nhóm và hiệp hội sáng tạo, nhà xuất bản tư nhân, xưởng phim, viện bảo tàng… tạo ra mạng lưới rộng khắp đảm bảo cho hoạt động văn hóa của đất nước.
Công tác quy hoạch văn hóa thông thường được đưa vào quy hoạch về phát triển xã hội hoặc gắn liền với quy hoạch giáo dục và truyền thông. Một trở ngại nghiêm trọng trong công tác tổ chức quy hoạch văn hóa là thiếu các chỉ số xác thực về sự phát triển văn hóa, cũng như số liệu thống kê không đầy đủ. Thông thường, thống kê trong lĩnh vực văn hóa chỉ giới hạn ở một số chỉ tiêu nhất định (số lượng thư viện, bảo tàng, tờ báo…), không có thông tin về nhu cầu văn hóa của các nhóm dân cư, phân tích các loại hình hoạt động văn hóa, chi phí và ngân sách cho văn hóa.
Các phương thức tài trợ cho ngành văn hóa là khác nhau. Việc xác định thực chi cho văn hóa và giáo dục là rất khó. Chỉ những nước giàu mới có đủ khả năng chi mạnh tay cho giáo dục được bao cấp chính thức, cho việc xây dựng mạng lưới các trung tâm văn hóa... Các quốc gia bị thiếu hụt nguồn thu lớn thường dựa vào sự đóng góp của các tổ chức xã hội, viện trợ nước ngoài, hỗ trợ từ các cơ quan văn hóa và những cơ quan đại diện nước ngoài. Tuy nhiên, những nguồn này rõ ràng là không đủ để trang trải.
VÕ QUỐC KHÁNH