Văn kiện có tên gọi chính thức là Hiệp ước hữu nghị và hợp tác song phương Anh-Đức. Tờ DW cho biết, truyền thông hai nước gọi đây là Hiệp ước Kensington bởi nó được Thủ tướng Đức Friedrich Merz và người đồng cấp Anh Keir Starmer ký tại Bảo tàng Victoria và Albert ở Kensington, London nhân chuyến thăm của nhà lãnh đạo Đức tới quốc đảo sương mù.

Thủ tướng Đức Friedrich Merz (bên trái) và người đồng cấp Anh Keir Starmer ký Hiệp ước Kensington. Ảnh: Getty Images 

Kênh truyền hình Al Jazeera nhấn mạnh đây là hiệp ước song phương đầu tiên giữa Anh và Đức kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Mặc dù bao trùm nhiều lĩnh vực khác như năng lượng, hợp tác kinh tế, di cư, song quốc phòng vẫn được xác định là trọng tâm ưu tiên trong Hiệp ước Kensington.

Theo đó, Anh và Đức khẳng định bảo đảm năng lực răn đe hiệu quả trước các mối đe dọa tiềm tàng, cam kết sự ủng hộ đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cùng nhau nỗ lực hướng tới tầm nhìn về một khu vực châu Âu-Đại Tây Dương hòa bình và an toàn. Hai bên sẽ xây dựng mối quan hệ đối tác quốc phòng lâu dài, trong đó triển khai các kế hoạch xuất khẩu quốc phòng chung nhằm bảo đảm các đơn hàng quốc tế cho những sản phẩm do hai bên hợp tác sản xuất như máy bay tiêm kích thế hệ thứ tư Eurofighter Typhoon và xe thiết giáp Boxer. Trang mạng Defense News dẫn thông tin từ Chính phủ Đức cho biết, trong khuôn khổ Hiệp ước Kensington, hai nước sẽ thực hiện 17 dự án chung, trong số này có dự án phát triển chung một loại vũ khí tấn công chính xác tầm xa, có khả năng đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách hơn 2.000km, là “một trong những hệ thống tiên tiến nhất từng được thiết kế” và dự kiến được hoàn thành trong thập niên tới. Cho rằng không có mối đe dọa chiến lược nào đối với một bên mà không đồng thời là mối đe dọa chiến lược đối với bên còn lại, Anh và Đức-với tư cách là những đồng minh gần gũi-cam kết bảo vệ lẫn nhau và “sẽ hỗ trợ nhau, bao gồm cả bằng biện pháp quân sự, trong trường hợp một bên bị tấn công vũ trang”.

Thủ tướng Đức Friedrich Merz xem việc ký kết Hiệp ước Kensington là “một ngày lịch sử” đối với mối quan hệ Berlin-London bởi mối quan hệ này đang thực sự bước sang một trang mới sau khi Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2020, còn gọi là Brexit. Tờ The New York Times dẫn lời Thủ tướng Friedrich Merz chia sẻ, Bảo tàng Victoria và Albert được chọn làm địa điểm ký kết bởi nơi đây được đặt theo tên của Nữ hoàng Anh Victoria và người chồng được sinh ra tại Đức là Hoàng thân Albert, vốn nổi tiếng về cuộc hôn nhân bền lâu và hạnh phúc của họ. Đây chính là “điềm lành” cho Hiệp ước Kensington. Đối với Thủ tướng nước chủ nhà Keir Starmer, Hiệp ước Kensington cho thấy mối quan hệ gần gũi giữa Anh và Đức, thể hiện mong muốn hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn nữa của đôi bên.

Theo tờ DW, Hiệp ước Kensington được ký 80 năm sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc (1945-2025) và gần 10 năm sau khi Anh tổ chức trưng cầu dân ý về Brexit (2016-2025) nhằm “cài đặt lại” mối quan hệ hậu Brexit giữa Berlin và London. Tờ The New York Times đánh giá, sau thỏa thuận mang tính lịch sử về phối hợp răn đe hạt nhân giữa Anh và Pháp được ký nhân chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi đầu tháng 7 năm nay, Hiệp ước Kensington là “tín hiệu mới nhất” về sự đoàn kết của các quốc gia châu Âu trước bối cảnh an ninh hiện nay cũng như chính sách “nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Donald Trump. Theo Giám đốc Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu Mark Leonard, những năm gần đây, trong khi Anh và Đức đều có những bước tiến trong thắt chặt hợp tác quốc phòng với Pháp, mối quan hệ giữa Anh và Đức lại phát triển chậm hơn. Vì vậy, việc ký Hiệp ước Kensington thực sự là một bước tiến lớn.

Tuy nhiên, kênh truyền hình Al Jazeera lưu ý vẫn chưa rõ tác động từ cam kết “sẽ hỗ trợ nhau, bao gồm cả bằng biện pháp quân sự, trong trường hợp một bên bị tấn công vũ trang” trong Hiệp ước Kensington vì cả Anh và Đức vốn dĩ đều là thành viên NATO, bị ràng buộc bởi Điều 5 về phòng thủ tập thể của liên minh quân sự, trong đó xác định bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào một thành viên cũng được coi là đòn tấn công nhằm vào cả liên minh và NATO sẽ phối hợp đáp trả.

HOÀNG VŨ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.