Hà Lan đồng hành với sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long

Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte bày tỏ quan tâm hỗ trợ khu vực ĐBSCL ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), khẳng định Hà Lan tiếp tục hỗ trợ Việt Nam triển khai Quy hoạch ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại ĐBSCL, hoàn thiện khung pháp lý về quản lý nguồn nước. 

Chia sẻ về nội dung này, Đại sứ Ngô Hướng Nam cho biết, nhìn lại nửa thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023), Việt Nam và Hà Lan đã thiết lập được mô hình quan hệ độc đáo, hiệu quả. Năm 2019, hai bên thiết lập quan hệ đối tác toàn diện. Trước đó, mối quan hệ gắn bó song phương đã có 2 điểm nhấn với việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược về ứng phó với BĐKH và quản lý nước (năm 2010) cũng như đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực (năm 2014). Đây là mô hình quan hệ độc đáo với cả Việt Nam và Hà Lan vì hai nước gần như chưa có hình thức quan hệ hợp tác này với bên ngoài.

Về phía Việt Nam, đối tượng được thụ hưởng nhiều nhất trong mối quan hệ đối tác chiến lược về ứng phó với BĐKH là ĐBSCL, bởi đặc điểm tự nhiên, vị trí địa lý của khu vực này có nhiều nét tương đồng với Hà Lan. ĐBSCL có diện tích và dân số tương đương Hà Lan. Hà Lan có 25% diện tích nằm dưới mực nước biển. Trong khi đó, trong vòng 100 năm nữa, với tốc độ nước biển dâng như hiện nay, 1/2 diện tích ĐBSCL dự báo sẽ nằm dưới mực nước biển. Những điểm tương đồng đó dẫn đến quan hệ hợp tác hiệu quả giữa hai bên. Hà Lan đã giúp Việt Nam xây dựng một kế hoạch tổng thể, thích hợp để phát triển ĐBSCL, trong đó có đầy đủ chi tiết về phát triển nông nghiệp và ứng phó với BĐKH.

leftcenterrightdel
Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Ngô Hướng Nam trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 tại Hà Nội vừa qua. 

Theo Đại sứ Ngô Hướng Nam, một trong những tư vấn thành công nhất của Hà Lan là giúp thay đổi cách nghĩ của người Việt. Trước đây, ĐBSCL được quy hoạch theo hình thức chống BĐKH, ví dụ như việc xây đê chống xâm nhập mặn. Hà Lan từ lâu đã theo quan điểm “thuận thiên”-tìm giải pháp giúp con người “sống thuận” với BĐKH. Tư vấn của Hà Lan giúp Chính phủ Việt Nam thay đổi toàn bộ việc hoạch định chính sách cũng như kế hoạch phát triển ĐBSCL. Để hỗ trợ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, chúng ta bắt đầu phân định từng khu vực nước ngọt, mặn, lợ khác nhau (vùng ngọt quanh năm, vùng chuyển tiếp ngọt-lợ, vùng mặn-lợ), coi nước mặn, nước lợ là nguồn tài nguyên thiên nhiên theo Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ ngày 17-11-2017 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH.

“Việt Nam được phân thành 6 vùng phát triển kinh tế-xã hội, song đến nay mới chỉ có ĐBSCL xây dựng được kế hoạch phát triển tổng thể cho toàn khu vực, với sự hỗ trợ rất lớn của các chuyên gia tư vấn Hà Lan”, Đại sứ Ngô Hướng Nam chia sẻ.

Giai đoạn tiếp theo, với sự song hành của Chính phủ và các công ty Hà Lan, Việt Nam phải xây dựng và triển khai chương trình hành động. Các công ty Hà Lan có công nghệ, kinh nghiệm và vốn đầu tư, do đó, Hà Lan sẽ gắn bó với ĐBSCL suốt chặng đường đồng hành phát triển trong tương lai.

Hợp tác triển khai rộng rãi mô hình Brainport tại Việt Nam

Một trong những lĩnh vực hợp tác khác giữa Việt Nam và Hà Lan là mô hình kết nối trí tuệ (Brainport), hay còn gọi là kết nối công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. Theo Đại sứ Ngô Hướng Nam, Hà Lan có diện tích nhỏ, dân số ít, nhưng lại là quốc gia nằm trong tốp 10 nước xuất, nhập khẩu lớn nhất thế giới, nền kinh tế có độ mở cao, ngoại thương phát triển, sở hữu nền nông nghiệp công nghệ cao. Đại sứ cho biết: “Hà Lan là quốc gia hàng đầu châu Âu về đổi mới sáng tạo và các giải pháp thông minh. Họ đã xây dựng những cụm công nghiệp nổi tiếng trở thành trung tâm, cửa ngõ hoặc nơi kết nối của Liên minh châu Âu (EU) và quốc tế theo tư duy tích hợp, như kết nối hàng không tại Amsterdam, kết nối đường thủy tại Rotterdam và kết nối trí tuệ tại Eindhoven”.

Brainport Eindhoven được ví như “Thung lũng Silicon của châu Âu”, là nơi tập trung các công nghệ cao, các nghiên cứu về phát triển của Hà Lan. Chỉ số đổi mới sáng tạo của Hà Lan đứng thứ 7 thế giới, họ đầu tư rất lớn cho công tác nghiên cứu và phát triển (R&D). Lấy ví dụ, doanh thu năm 2022 của công ty Hà Lan ASML (công ty duy nhất trên thế giới sản xuất các loại máy chế tạo chip cực kỳ tinh vi) là 23 tỷ USD, họ trích ra 4 tỷ USD đầu tư cho R&D. Hà Lan mạnh về phát minh ra những công nghệ mới, thêm nữa, các thiết bị máy móc của họ luôn nằm ở phân khúc cao (máy chủ, máy cái). Brainport là mô hình “đa nhà”, kết hợp giữa Nhà nước/Chính phủ với nhà khoa học (các tổ chức nghiên cứu khoa học) và nhà doanh nghiệp. Tất cả yếu tố đó tạo nên một hệ sinh thái gắn kết và thành công.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm Hà Lan tháng 12-2022 đã rất ấn tượng khi tham quan Brainport Eindhoven và bày tỏ mong muốn áp dụng rộng rãi mô hình này tại Việt Nam. Trên thực tế, mô hình này đã được thực hiện thành công tại tỉnh Bình Dương, giúp tỉnh này trở thành khu vực phát triển nhanh, lọt tốp những thành phố có chỉ số sáng tạo đổi mới cao trong khu vực. Mới đây, Việt Nam và Hà Lan cũng đã nhất trí đưa Brainport vào áp dụng tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) tại Khu công nghệ cao Láng-Hòa Lạc, Hà Nội. “Sự gắn bó trong quan hệ Việt Nam-Hà Lan đang mở ra nhiều cơ hội hợp tác địa phương sâu rộng hơn trong tương lai”, Đại sứ Ngô Hướng Nam nói.

Bài và ảnh: HÀ PHƯƠNG - PHƯƠNG LINH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.