Theo The Straits Times, nếu nhìn vào mớ vải vụn từ quần áo, rèm cửa và thảm... đã qua sử dụng, hầu hết mọi người nghĩ đến việc vứt chúng đi. Tuy nhiên, bà Krittiga Kunnalekha, 48 tuổi, tại thành phố Chiang Mai (Thái Lan) đã nhìn ra cơ hội phát triển đồ may mặc thiết kế vô cùng tiềm năng. “Những người khác nhìn vào núi vải vụn và thấy đó chỉ là rác. Nhưng tôi luôn nghĩ rằng vải vụn có rất nhiều tiềm năng”, bà Krittiga cho biết.
Bà Krittiga hiện là chủ sở hữu Nymph Vintage-một cửa hàng quần áo trực tuyến đang góp phần vào việc thúc đẩy xu hướng thời trang tái chế ở Thái Lan. Cửa hàng của bà chủ yếu bán áo, quần và túi kiểu thổ cẩm. Qua bàn tay khéo léo của bà Krittiga, các miếng vải vụn cũ sẽ biến thành những chiếc áo và váy đầy màu sắc. Kể từ khi mở Nymph Vintage khoảng 5 năm trước, bà Krittiga đã chứng kiến doanh số bán hàng tăng khoảng 15%.
“Một số cửa hàng khác mở sau sao chép phong cách thiết kế quần áo của tôi. Nhưng tôi không buồn, vì điều đó có nghĩa là nhiều người muốn tham gia vào phong trào này”, bà Krittiga chia sẻ. Theo bà, hiện nay, các cửa hàng thời trang ở Thái Lan đang theo đuổi xu hướng “Upcycling”. Khái niệm này được hiểu là biến đổi những vật liệu bỏ đi thành những vật liệu hay sản phẩm mới có chất lượng tốt hơn hoặc đem lại giá trị tốt hơn cho môi trường.
 |
Các sản phẩm của cửa hàng quần áo tái chế Nymph Vintage. Ảnh: The Straits Times |
Cô Sarita, một chủ cửa hàng bán quần áo tái chế khác cho biết: “Nhiều khách hàng của chúng tôi không thể tin rằng thứ họ đang mặc từng là thảm hoặc rèm cũ”. Khi mở cửa hàng cách đây 4 năm, Sarita đã tự tay may từng bộ quần áo bằng vải từ quần áo mua tại các chợ đồ cũ ở Thái Lan hoặc nước ngoài. Hiện nay, do có nhiều đơn hàng, Sarita phải thuê thêm thợ may để hỗ trợ. Trong hai năm qua, doanh số bán hàng đã tăng hơn 50% khi nhiều khách nước ngoài đặt hàng.
Tại xứ chùa vàng, người dân ngày càng quan tâm tới những sản phẩm may mặc như vậy. Họ thường tìm đến những bộ quần áo mang tính bền vững, thân thiện với môi trường và có phong cách độc đáo.
LÂM VŨ
Tranh thủ giờ nghỉ, hội viên Chi hội Phụ nữ Tiểu đoàn Thông tin, Lữ đoàn 918 (Quân chủng Phòng không-Không quân) cắt dán các sản phẩm thủ công từ phế liệu nhựa.
Định kỳ hằng tuần, tại sân nhà văn hóa, Chi hội phụ nữ Tổ dân phố số 2 phường Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) lại tổ chức phân loại phế liệu thu gom được.