Theo tờ The Wall Street Journal, với khả năng phóng 72 tên lửa cùng lúc, hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia (NASAMS) bảo vệ không phận phía trên Nhà Trắng đang là mặt hàng được nhiều nước quan tâm. Khi phải đối mặt với các mối đe dọa tiềm tàng, nhu cầu mua NASAMS của phương Tây tăng cao. Những đơn đặt hàng hệ thống này gửi tới tập đoàn Kongsberg Defense & Aerospace của Na Uy ngày càng nhiều. “Tôi chưa bao giờ chứng kiến nhu cầu lớn đến vậy”, ông Eirik Lie, người phụ trách về lĩnh vực quốc phòng của Kongsberg Defense & Aerospace cho biết.
Ngoài NASAMS, Kongsberg Defense & Aerospace còn sản xuất các sản phẩm như tên lửa phóng từ tàu chiến và các bộ phận của máy bay chiến đấu F-35. Trong nỗ lực đẩy nhanh tốc độ sản xuất, họ chia ca làm việc 24/7 và điều công nhân làm việc trong một số ngày nghỉ. Dù vậy, điều này có thể vẫn chưa đủ.
Một vấn đề quan trọng là những vũ khí hiện đại rất phức tạp và thường cần tới hàng nghìn linh kiện. Cũng giống như hầu hết công ty quốc phòng phương Tây, Kongsberg Defense & Aerospace thiết kế và lắp ráp hệ thống vũ khí nhưng không tự sản xuất các linh kiện. Hơn 1.500 nhà cung cấp đóng góp sản phẩm cho nhà máy của Kongsberg Defense & Aerospace. Chỉ riêng chuỗi cung ứng của NASAMS đã bao gồm hơn 1.000 công ty và được xây dựng trên hai lục địa cùng với nhà thầu quốc phòng RTX của Mỹ, trước đây gọi là Raytheon Technologies.
Xung đột ở Ukraine đã làm bộc lộ điểm yếu của phương Tây trong khả năng sản xuất nhanh chóng vũ khí để bổ sung vào thời điểm cần thiết. Giờ đây, xung đột Israel-Hamas ở dải Gaza có thể thắt chặt thêm nguồn cung một số loại vũ khí như tên lửa, hệ thống phòng thủ tên lửa và hệ thống chống máy bay không người lái (UAV). Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết, đối với phương Tây, nhiệm vụ hỗ trợ vũ khí cho các đồng minh đang hạn chế nguồn cung hơn nữa, thúc đẩy nhu cầu về một số hệ thống vũ khí, đặc biệt là đạn pháo và hệ thống phòng thủ tên lửa.
 |
Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia (NASAMS). Ảnh: kongsberg.com
|
Phần lớn khả năng sản xuất vũ khí của phương Tây, đặc biệt là châu Âu, đã bị xói mòn khi ngân sách quốc phòng giảm sau Chiến tranh lạnh và quá trình phi công nghiệp hóa dần dần. Theo Nicholas Drummond, chuyên gia tư vấn quốc phòng, các công ty Đức có thể sản xuất tới 400 xe tăng mỗi năm vào thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh lạnh, nhưng giờ đây chỉ có thể sản xuất tối đa 50 xe mỗi năm. Ngoài ra, cũng mất nhiều thời gian và tốn nhiều tiền để chế tạo vũ khí hiện đại. Điều này có thể làm hạn chế lượng vũ khí hiện đại tồn kho cũng như kéo dài thời gian cần thiết để thay thế chúng.
Các quan chức hàng đầu của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lo ngại tình trạng thiếu hụt vũ khí sẽ ảnh hưởng đến khả năng chiến đấu khi không thể bổ sung một cách nhanh chóng. Đơn cử như NASAMS, mỗi hệ thống tên lửa mất khoảng hai năm để chế tạo. Các loại tên lửa khác cũng có vấn đề tương tự. Năm ngoái, Lockheed Martin và RTX cho biết sẽ mất 4 năm để tăng gấp đôi sản lượng tên lửa chống tăng Javelin và tên lửa đất đối không Stinger.
Thời gian này lâu gấp đôi dự kiến trước đó, khi những thách thức về chuỗi cung ứng vẫn tồn tại. Trong khi các công ty đổ lỗi rằng sự thiếu hụt động cơ nhiên liệu rắn cho tên lửa là nguyên nhân gây ra vấn đề này thì các quan chức Lầu Năm Góc nhận định mọi thứ từ chip đến lò xo và vòng bi đều bị thiếu hụt. Tình trạng sản xuất đình trệ cũng xảy ra với các loại khí tài khác, trong đó có máy bay chiến đấu F-35, máy bay huấn luyện, tiếp nhiên liệu cũng như các tàu sân bay mới nhất của Mỹ.
Bên cạnh vấn đề thiếu hụt linh kiện, ngành công nghiệp quốc phòng phương Tây cũng phải vật lộn với tình trạng khủng hoảng lao động kéo dài. Việc tìm kiếm những lao động có kỹ năng thích hợp và sẵn sàng trải qua các đợt kiểm tra an ninh kéo dài đang trở nên khó khăn hơn.
Trong nỗ lực lấp đầy kho vũ khí, hầu hết công ty quốc phòng phương Tây cho biết họ đang mở rộng năng lực sản xuất, đặc biệt là về đạn pháo và tên lửa. Chính phủ Mỹ đang đầu tư vào các cơ sở sản xuất nội địa và đưa hoạt động sản xuất các linh kiện dễ bị gián đoạn nguồn cung như vi mạch về nước. Lầu Năm Góc dự kiến sẽ triển khai một chiến lược công nghiệp quốc phòng mới nhằm giải quyết tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Các tập đoàn quốc phòng khổng lồ của Mỹ cũng đang tăng cường hợp tác với đối tác nước ngoài để mở rộng nguồn cung.
LÂM ANH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.