Tại một cơ quan hành chính ở thành phố Narashino (Nhật Bản), một người phụ nữ khiếm thính sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để hỏi đường tới nhà vệ sinh, nhưng người tiếp nhận câu hỏi của cô không biết sử dụng loại ngôn ngữ này.
Thay vào đó, một camera được dùng để ghi lại các động tác tay và nét mặt của người phụ nữ, sau đó chuyển thành câu hoàn chỉnh trên màn hình.
Theo Kyodo, công nghệ này có tên gọi “Sure Talk”, do Đại học Viễn thông Tokyo cùng Tập đoàn SoftBank hợp tác phát triển.
 |
Ảnh chụp màn hình quá trình phân tích cử chỉ của phần mềm “Sure Talk”. Ảnh: SoftBank
|
Một trí tuệ nhân tạo (AI) được dùng để dịch các cử chỉ của ngôn ngữ ký hiệu sang tiếng Nhật. Theo một quan chức, mặc dù có thể sử dụng cách viết ra giấy để đối thoại với người khuyết tật câm và khiếm thính nhưng phương thức này bất tiện và tốn thời gian. Phần mềm sử dụng AI giúp việc giao tiếp trở nên trôi chảy hơn nhiều.
“Sure Talk” nay đã xuất hiện tại một số cơ quan hành chính ở thành phố Mito, tỉnh Ibaraki, cũng như ở Chofu, phía tây trung tâm thủ đô Tokyo.
Một dự án tương tự cũng đang được thực hiện bởi Đại học Hokkaido phối hợp với Công ty viễn thông NTT East, hướng tới bệnh viện, hiệu thuốc, điểm du lịch và nhiều dịch vụ khác.
Tuy nhiên, các nhà phát triển cũng như Liên đoàn người khiếm thính Nhật Bản đều nhận định, công nghệ “phiên dịch” bằng AI vẫn cần nhiều thời gian để hoàn thiện.
Tuy đã có hình ảnh của hàng trăm người dùng ngôn ngữ ký hiệu được số hóa để lập trình phần mềm, nhưng “Sure Talk” mới dịch được khoảng 1.500 từ, chỉ đủ cho các cuộc hội thoại đơn giản. “Cần lượng dữ liệu khổng lồ để xây dựng được mô hình dịch sang tiếng Nhật chính xác”-một kỹ sư của SoftBank cho hay.
Do đó, một số dự án cộng đồng đã được tiến hành. Nhà phát triển “Sure Talk” lập ra một trang web và ứng dụng điện thoại, kêu gọi công chúng đóng góp hình ảnh hoặc video sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để “dạy học” cho AI.
Quỹ Nippon đã hợp tác với Google để phát hành miễn phí một trò chơi giải đố dùng ngôn ngữ ký hiệu có tên “Sign Town”.
Những dự án này bên cạnh mục đích thu thập dữ liệu, còn được coi là phương thức nâng cao ý thức người dân về những khó khăn mà người khuyết tật câm, điếc gặp phải trong cuộc sống.
MINH TRÍ