Sau khi chế độ Sa hoàng Nga sụp đổ đã hình thành nên nhiều quốc gia mới, trong đó hùng mạnh nhất là nước Nga Xô viết và Cộng hòa Ba Lan. Đầu năm 1919, hai nước này bắt đầu cuộc chiến khốc liệt tranh giành lãnh thổ Ukraine và Belarus. Có hàng chục phi công Mỹ lúc đó đã đứng về phía Warszawa khi tham gia vào cuộc chiến tranh Nga-Ba Lan.
Phi đội Kosciuszko
Ý tưởng thu hút các phi công quân sự của Mỹ vào cuộc chiến tranh chống lại nước Nga Xô viết là do Đại úy, phi công quân đội Mỹ Merian Cooper đưa ra vào mùa xuân năm 1919, khi ông đến thăm Ba Lan trong thành phần phái đoàn hỗ trợ nhân đạo của chính quyền Hoa Kỳ.
 |
Các phi công của Phi đội Kosciuszko năm 1920. Ảnh tư liệu |
Chẳng có gì là khó tin trong việc, chính người Mỹ đã tham gia vào cuộc chiến tranh chống lại nước Nga Xô Viết. Bởi trước đó trong gần một năm trời, lực lượng quân sự Mỹ đã tiến hành can thiệp quy mô lớn vào Nga, hoạt động tại khu vực miền Bắc và vùng Viễn Đông nước này. Vì vậy, Ba Lan có thể trở thành một mặt trận khác, nơi người Mỹ sẽ hỗ trợ các lực lượng chống lại những người cộng sản. Việc Merian Cooper quyết định chiến đấu cho Ba Lan mang cả động cơ cá nhân. Cụ cố của ông từng kề vai sát cánh chiến đấu cùng người anh hùng trong cuộc chiến giành độc lập của nước Mỹ, vị tướng gốc Ba Lan Kazimierz Pulawski, và chứng kiến cái chết của ông này trong trận chiến giành Savannah năm 1779. Gia đình của Merian Cooper luôn tưởng nhớ đến Pulawski, và bản thân ông cũng mong muốn thể hiện bổn phận của mình đối với quê hương của vị tướng này. “Ngày ngày con cứ dằn vặt rằng, mình đang làm quá ít cho sự nghiệp tự do của Ba Lan, trong khi Pulawski đã làm rất nhiều điều cho chúng ta”, Merian Cooper từng viết thư cho bố mình.
Đề nghị của Cooper đã nhận được sự ủng hộ của Tướng Tadeusz Rozwadowski, sau đó là của cả người đứng đầu nhà nước Ba Lan Jozef Piłsudski. Viên đại úy Mỹ đã đến Pháp chiêu mộ binh sĩ để cùng chiến đấu, mặc dù lúc đó Chiến tranh thế giới lần thứ nhất vừa mới kết thúc. Hỗ trợ đắc lực cho ông là Thiếu tá Cedric Fauntler, người sau đó trở thành chỉ huy đầu tiên của đơn vị không quân của quân tình nguyện Hoa Kỳ.
Bảy người đầu tiên đã đến Ba Lan vào tháng 9-1919. Tổng cộng có 21 phi công Mỹ tham gia cuộc chiến giữa nước Nga Xô viết và Ba Lan. Phi đội 7, trong đó có biên chế người Mỹ, đã nhanh chóng được đổi tên thành Phi đội máy bay tiêm kích số 7 mang tên Tadeusz Kosciuszko. Cũng như Tướng Kazimierz Pulawski, Tadeusz Kosciuszko được tôn kính ở Ba Lan và Mỹ như người anh hùng chiến đấu vì nền độc lập của cả hai quốc gia.
Hành trình chiến đấu
Lực lượng không quân Nga Xô viết khi đó trong tình trạng thảm hại, nên các phi công của Phi đội Kosciuszko phần lớn không phải tham gia vào các trận không chiến. Trong chiến dịch tấn công Kiev của quân đội Ba Lan diễn ra vào tháng 4-1920, người Mỹ đã sử dụng những tiêm kích Albatros D.III và Ansaldo A.1 của mình để tiến hành trinh sát, vận chuyển lương thực dự trữ, ném bom các thành phố Nga Xô viết và tấn công đối phương, cũng như đánh đắm những chiếc tàu chiến của Phân hạm đội Dnepr và hỗ trợ các đơn vị quân đội Ba Lan.
Cuối tháng 5-1920, Quân đoàn Kỵ binh số 1 của chỉ huy Hồng quân Semyon Budyonny chuyển sang tấn công quy mô lớn, buộc quân đội Ba Lan phải bỏ lại Kiev và tháo chạy hỗn loạn về phía Tây. Nhiều lần các phi công Mỹ suýt bị những kỵ binh Nga Xô viết bắt làm tù binh. Họ buộc phải vứt bỏ máy bay của mình tại phi trường và trốn chạy.
 |
Phi công Mỹ Merian Cooper và nhân vật King Kong. Ảnh: Tư liệu; Merian C. Cooper/RKO Radio Pictures, 1933 |
Thắng lợi huy hoàng của Phi đội Kosciuszko là trong trận chiến giành Lvov diễn ra từ tháng 6 đến tháng 8-1920. Các phi công Mỹ mỗi ngày thực hiện hàng chục vụ không kích, tấn công không ngừng nghỉ và làm cho đối phương luôn trong trạng thái căng thẳng. Kết quả, họ đã góp phần đáng kể khiến Quân đoàn Kỵ binh số 1 của Semyon Budyonny sa lầy ở ngoại ô Lvov và không kịp đến Warszawa, nơi quân của chỉ huy Hồng quân Mikhail Tukhachevsky đã chịu thất bại nặng nề.
“Mặc dù bị kiệt sức, nhưng các phi công Mỹ vẫn chiến đấu điên cuồng. Không có sự hỗ trợ của họ thì chúng ta đã bị dọn sạch từ lâu rồi”, viên tướng Ba Lan Anthony Listovsky nhận định.
Trong suốt thời gian nổ ra chiến tranh Nga-Ba Lan (kết thúc năm 1921), Phi đội Kosciuszko đã mất 3 phi công. Nhiều phi công được tặng thưởng Huân chương “Virtuti military” (Huân chương Chiến công), đây là phần thưởng cao quý nhất trong quân đội của Cộng hòa Ba Lan.
Không phải tất cả người Mỹ đều rời khỏi Ba Lan sau khi chiến tranh kết thúc. Một số vẫn tiếp tục ở lại phục vụ trong Lực lượng không quân nước này, bởi lúc đó Ba Lan rất cần những phi công giàu kinh nghiệm chiến đấu như phi công Mỹ.
Một điều thú vị đã xảy ra với số phận của phi công Merian Cooper. Tháng 7-1920, ông bị bắn rơi máy bay và trải qua 9 tháng làm tù binh của quân đội Xô viết. Cuối cùng, ông đã chạy trốn được và quay lại Ba Lan qua lãnh thổ Latvia. Về sau, phi công Mỹ đã trở thành một trong những người sáng lập ra hãng hàng không “Pan Am” nổi tiếng của Mỹ, đồng thời nổi danh với vai trò đạo diễn, sau khi ông thực hiện bộ phim “King Kong” đình đám năm 1933.
Hiện còn lưu truyền câu chuyện cho rằng, nhân vật nổi tiếng King Kong là do Merian Cooper nghĩ ra trong thời gian bị bắt làm tù binh. Học tiếng Nga vào những lúc buồn chán, ông đã bắt đầu đọc truyện thơ cổ tích “Cá sấu” của nhà văn thiếu nhi Nga Kornei Chukovsky. Trong truyện có những dòng kể về một con khỉ đột hoang dã đã tóm lấy cô bé Lyalya và đưa cô bé trèo lên mái một tòa nhà cao tầng.
QUỐC KHÁNH (theo Russia Beyond)