Bên cạnh những lời bàn tán về thành tựu cũng như các bê bối của Thủ tướng Johnson liên quan tới việc vi phạm các biện pháp hạn chế trong thời gian dịch Covid-19, một trong những quan tâm lớn nhất lúc này của dư luận là Đảng Bảo thủ cầm quyền nói riêng và nước Anh nói chung sẽ chọn ra người kế nhiệm ông Johnson theo cách nào.

Tờ The Independent cho hay, sau tuyên bố từ chức, ông Johnson đã bày tỏ ý định muốn tiếp tục giữ chức thủ tướng tạm quyền đến tháng 10 tới, mặc dù một số chính trị gia đã lên tiếng phản đối điều này. Tuy nhiên, ông Johnson có thể ở lại Văn phòng Thủ tướng ở số 10 phố Downing (London) cho đến khi tìm được người lãnh đạo kế nhiệm.

  Báo chí ghi lại hình ảnh ông Boris Johnson rời tòa nhà số 10 phố Downing ngày 19-1-2022. Ảnh: Getty Images

Ông Johnson cũng thông báo rằng, Đảng Bảo thủ cầm quyền sẽ bắt đầu chọn lãnh đạo mới ngay từ lúc này và tiến trình cụ thể sẽ được thông báo trong tuần sau.

Thủ tướng Johnson sẽ rời tòa nhà số 10 phố Downing là chuyện đã rõ như ban ngày. Nhưng theo tờ The Independent, việc ông tuyên bố từ chức đã giúp tránh được khả năng phải tổ chức một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm khác về vai trò lãnh đạo của ông. Trước đó, ông Johnson đã vượt qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hồi đầu tháng 6 vừa qua.

Quan trọng hơn, tuyên bố ra đi của Thủ tướng Johnson sẽ kích hoạt một cuộc chạy đua để tìm ra nhà lãnh đạo mới của Đảng Bảo thủ.

Cụ thể, CNN cho biết, sau khi ông Johnson từ chức, nước Anh không tổ chức tổng tuyển cử mà Đảng Bảo thủ sẽ bắt đầu quy trình bầu tân lãnh đạo đảng bởi hiện đảng này vẫn giữ vị thế là đảng cầm quyền tại Anh. Người được bầu làm lãnh đạo Đảng Bảo thủ cũng sẽ trở thành thủ tướng kế nhiệm ông Johnson.

Theo quy định, mỗi ứng viên tham gia cuộc đua giành ghế lãnh đạo Đảng Bảo thủ cần nhận được sự ủng hộ của ít nhất 8 nghị sĩ. Trong trường hợp có nhiều hơn hai ứng viên, các nghị sĩ sẽ phải tổ chức các vòng bỏ phiếu liên tục để loại dần các ứng viên có ít phiếu ủng hộ nhất để cuối cùng chỉ còn lại hai người.

Tiếp đó, toàn bộ thành viên Đảng Bảo thủ trên toàn nước Anh sẽ bỏ phiếu qua thư nhằm chọn một trong hai ứng viên này là lãnh đạo đảng. Và ai trở thành người đứng đầu Đảng Bảo thủ dĩ nhiên cũng giành quyền ngồi vào chiếc ghế thủ tướng. Sau khi trở thành thủ tướng, người này có thể yêu cầu tổ chức một cuộc tổng tuyển cử mới, nhưng điều này là không bắt buộc.

Thời gian để Đảng Bảo thủ chọn lãnh đạo mới dự kiến có thể mất vài tuần, thậm chí vài tháng và theo CNN, những tiền lệ gần đây cũng cho thấy sự khác nhau. Chẳng hạn, bà Theresa May từ chức ngày 24-5-2019 và đúng hai tháng sau ông Johnson lên kế nhiệm. Tuy nhiên, trước đó, khi ông David Cameron từ chức ngày 24-6-2016, quá trình chọn tân Thủ tướng ở Anh diễn ra nhanh hơn và đến ngày 13-7-2016 bà May đã nhậm chức.

Đến nay đã xuất hiện những lời đồn đoán về nhân vật có thể thay thế ông Johnson và nhiều cái tên đã được đề cập, trong đó Nghị sĩ Tom Tugendhat, người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Anh, là chính trị gia đầu tiên tuyên bố khởi động chiến dịch chạy đua vào chiếc ghế lãnh đạo Đảng Bảo thủ.

Mặc dù vậy, tờ The Guardian dự đoán đây sẽ là một “cuộc đua mở rộng” do sẽ có thêm nhiều ứng viên tham gia. Cũng chính vì vậy mà ông Justin Tomlinson, Phó chủ tịch Đảng Bảo thủ cầm quyền chia sẻ trên mạng xã hội Twitter rằng đây là “thời điểm quan trọng về nhiều mặt" đối với đảng này.

Thủ tướng Johnson tuyên bố từ chức cũng đồng nghĩa "phát súng lệnh" mở đầu cho một cuộc chạy đua mới đã vang lên trên chính trường Anh.

TRUNG DŨNG