Theo trang mạng politico.eu, nghị sĩ Pháp Anne Genetet thuộc Đảng Phục hưng của Tổng thống Emmanuel Macron đã kêu gọi “tăng cường mạnh mẽ văn hóa NATO ở Pháp” để nước Pháp trở nên có ảnh hưởng hơn trong tổ chức này. Theo một báo cáo trình quốc hội mà bà Genetet là đồng tác giả với nghị sĩ Bastien Lachaud thuộc đảng cánh tả “Nước Pháp không khuất phục”, lực lượng Pháp trong NATO đang thiếu nhân lực và không giống như Đức, các nhiệm vụ trong NATO không được đánh giá cao trong binh nghiệp Pháp.

Thực trạng này nhiều khả năng sẽ có những thay đổi trong tương lai sau khi trường quân sự Pháp dành cho sĩ quan dự bị đã mở một lớp mới trong năm 2024 tập trung vào NATO để thu hút nhiều người đăng ký. Động thái này cho thấy Pháp đã quan tâm tới việc gia tăng vị trí của mình trong liên minh quân sự mà chính nước này đã ra khỏi cơ cấu chỉ huy vào năm 1966. Tướng Pháp về hưu, Jean-Paul Paloméros, cựu chỉ huy cao cấp của NATO, nói rằng: “Chúng ta đã mất ảnh hưởng và chúng ta cần lấy lại nó. Chúng ta đang đi đúng hướng”.

leftcenterrightdel
Binh sĩ Pháp tham gia tập trận ở Korzeniewo, phía Bắc Ba Lan vào tháng 3-2024. Ảnh minh họa: Ảnh: Getty 

Một trong những động thái trước đó cho thấy sự trở lại mạnh mẽ của Pháp trong NATO đó là việc cử tàu sân bay Charles de Gaulle tham gia cuộc tập trận “Neptune Strike 2024” của NATO diễn ra trong suốt tháng 4 và tháng 5 vừa qua. Việc để tàu sân bay Charles de Gaulle, vốn được mệnh danh là “nắm đấm bọc thép” của Hải quân Pháp tham gia cuộc tập trận của NATO, là một cách để Pháp chứng tỏ cho các thành viên NATO thấy rằng Paris có ý định trở thành nhân tố chủ chốt trong Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương. Đây cũng là lần đầu tiên tàu Charles de Gaulle của Pháp được đặt dưới sự kiểm soát hoạt động của NATO. Việc này mang tính biểu tượng cao, vì đây là tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân duy nhất của Pháp được đặt theo tên chính vị tổng thống đã rút nước Pháp khỏi Bộ chỉ huy quân sự NATO vào năm 1966.

Kể từ khi cuộc xung đột Ukraine bùng nổ hồi tháng 2-2022, môi trường an ninh khu vực thay đổi đã khiến các cuộc tập trận như Neptune Strike của NATO trở thành một phần quan trọng trong nỗ lực của liên minh quân sự nhằm cải thiện khả năng tương tác với các đồng minh và ngăn chặn những kẻ thù tiềm tàng. Cũng kể từ đó, Pháp đã phát tín hiệu cho thấy NATO là ưu tiên hàng đầu của Paris. Tham gia cuộc tập trận Neptune Strike cũng là cách để nước này hòa hợp tốt hơn với liên minh. Trước khi xảy ra chiến tranh ở Ukraine, Paris đã dành phần lớn nỗ lực quân sự-đặc biệt là lực lượng trên bộ cho các thuộc địa của Pháp ở châu Phi. Nhưng hiện nay, nỗ lực của Pháp trong NATO bao gồm việc dẫn đầu một nhóm liên minh tác chiến ở Romania và kêu gọi NATO triển khai quân tới Ukraine. Tổng thống Pháp Macron đã nhiều lần đề cập ý tưởng NATO cử lực lượng tới Ukraine để hỗ trợ Kiev, bất chấp sự phản đối của một số nước NATO, trong đó có Mỹ cùng sự chỉ trích mạnh mẽ từ Nga. Thậm chí Asia Times hồi tháng 5 đã dẫn lời cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách, ông Stephen Bryen nói rằng “Pháp đã chính thức đưa các binh sĩ đầu tiên tới Ukraine”. Nhưng những thông tin này chưa được xác thực. 

Ngoài ra, trong nỗ lực đóng góp vào phòng thủ chung của châu Âu, Pháp cũng đang thúc đẩy một “trụ cột châu Âu” trong NATO, đồng thời thúc đẩy tham vọng trở thành cường quốc cân bằng trên trường quốc tế. Vì vậy việc xích lại gần NATO là phù hợp với những mục tiêu mà Paris đang theo đuổi. NATO đã đề ra chiến lược mới theo hướng can dự sâu rộng hơn vào các vấn đề toàn cầu, nâng cao sức mạnh tổng hợp nhằm tăng khả năng răn đe và can dự thông qua việc kết nạp thêm các nước thành viên ở Đông Âu, chuyển mạnh từ một tổ chức phòng thủ sang một tổ chức tiến công. 

Trên thực tế, dù có thời gian chẳng mấy mặn mà với NATO do những xích mích với Washington, Pháp vẫn là thành viên của liên minh và lực lượng không quân và hải quân Pháp đã hoạt động cùng với các đồng minh NATO. Ngày 11-3-2009, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố Pháp quay lại Bộ chỉ huy quân sự NATO. Theo những thỏa thuận đạt được, Pháp cùng Mỹ, Anh và Đức được nắm những vị trí chủ chốt của NATO. Tuy nhiên, việc xích lại gần NATO của Pháp cũng gặp ít nhiều trở ngại và việc này không nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Theo một cuộc khảo sát năm 2019, người Pháp có quan điểm kém tích cực nhất về NATO trong số các quốc gia thành viên. Các đảng cực hữu và cực tả-vốn thường xuyên vận động để một lần nữa đưa Pháp rời khỏi Bộ chỉ huy quân sự NATO-đã chỉ trích gay gắt việc tàu Charles de Gaulle tham gia sứ mệnh của NATO, cho rằng Tổng thống Macron đang bán “viên ngọc quý” của hải quân Pháp cho người Mỹ.

MAI NGUYÊN 

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.