Ngày 13-11, Cơ quan Ứng phó với tình trạng khẩn cấp do ô nhiễm không khí của thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) đã ban bố lệnh “báo động vàng” về tình trạng ô nhiễm khói mù tại đây, qua đó nhắc nhở người dân phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Lệnh “báo động vàng” được đưa ra sau khi khói mù xuất hiện từ cuối tuần trước đã gây ô nhiễm toàn thủ đô Bắc Kinh. Mức “báo động vàng” được ban bố khi chỉ số chất lượng không khí vượt quá 200mcg hoặc mật độ hạt bụi PM2.5 trên mức 150mcg trong một mét khối không khí trong hai ngày liên tiếp. Cơ quan Sinh thái và môi trường thành phố Bắc Kinh dự báo, tình trạng này sẽ kéo dài đến ngày 15-11. Trong thời gian này, khu vực trung tâm của vùng, gồm: Thủ đô Bắc Kinh, thành phố Thiên Tân và tỉnh Hà Bắc được dự báo sẽ có mức độ ô nhiễm không khí từ mức trung bình đến mức nghiêm trọng.
 |
Phương tiện giao thông ở New Delhi là một trong những thủ phạm gây ô nhiễm không khí. Ảnh: moneycontrol.com |
Theo hệ thống cảnh báo ô nhiễm không khí 3 cấp hiện nay của thành phố Bắc Kinh, “báo động vàng” là mức độ ít ô nhiễm không khí nhất, tiếp theo là “báo động da cam" và “báo động đỏ”. Mức “báo động vàng” và trên “báo động vàng” đòi hỏi việc thực hiện các biện pháp ứng phó khẩn cấp bao gồm việc ngừng các hoạt động xây dựng ngoài trời để giảm lượng bụi trong không khí, hạn chế sử dụng các loại phương tiện giao thông gây ô nhiễm nhiều nhất hoặc ngừng các hoạt động sản xuất trong các ngành công nghiệp gây khói.
Trong khi đó, tình trạng ô nhiễm không khí diễn ra tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ được đánh giá là nghiêm trọng hơn. Trong những ngày qua, thủ đô New Delhi thường xuyên có khói mù, vốn là sự kết hợp của khói bụi từ phương tiện tham gia giao thông, bụi từ công trình xây dựng và khói từ hoạt động đốt rơm rạ. Theo số liệu trên trang web của Đại sứ quán Mỹ tại New Delhi, hàm lượng bụi siêu vi PM 2.5 trong không khí đã đạt mức đỉnh, cao gấp 33 lần giới hạn an toàn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nên ở trong nhà hoặc đeo khẩu trang khi ra ngoài.
Tình trạng ô nhiễm nặng nề đã làm nhiều người dân thủ đô lo lắng cho sức khỏe của bản thân và gia đình mình. “Tôi đã cho con tôi uống thuốc liều cao để giảm các triệu chứng hô hấp của cháu. Cơ thể của nó cần phải chống lại tình trạng ô nhiễm môi trường. Tôi muốn cho con tôi có một tuổi thơ khỏe mạnh song tôi không thể làm được với tình trạng ô nhiễm như hiện nay”, một người dân thủ đô New Delhi nói.
Theo WHO, New Delhi cùng 13 thành phố khác của Ấn Độ nằm trong danh sách 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới trong năm nay. Các phương tiện giao thông ở New Delhi tạo ra 20% hạt bụi siêu vi gây ô nhiễm PM 2.5 trong không khí. Bụi hạt này có thể xâm nhập vào máu và gây ra các bệnh như viêm phế quản mãn tính, ung thư phổi và bệnh tim.
Với mức ô nhiễm không khí được đánh giá là "nguy hiểm", giới chức thành phố New Delhi đã ban hành lệnh cấm đối với gần 40.000 xe tải cỡ trung và cỡ lớn đi vào thành phố hằng ngày. Bộ Giao thông Ấn Độ cho biết, lệnh cấm này không áp dụng với các xe vận chuyển lương thực và các mặt hàng thiết yếu khác, song yêu cầu các chủ xe tư nhân những dòng xe thể thao động cơ diesel không cho xe lưu thông trên đường phố New Delhi. Chính phủ Ấn Độ đang lên kế hoạch làm sạch không khí nhằm giảm khoảng 30% mức độ ô nhiễm không khí ở nước này trong vòng 5 năm tới.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, việc kiểm soát tình trạng ô nhiễm không khí là vấn đề vô cùng nan giải. Kể cả khi kiểm soát được khí thải từ phương tiện giao thông, các vấn đề như ô nhiễm nông nghiệp và máy bay thậm chí còn phức tạp hơn nhiều.
BÌNH NGUYÊN