Seattle trở thành thành phố đầu tiên của Mỹ cấm phân biệt đẳng cấp, đồng thời là thành phố đầu tiên trên thế giới nằm ngoài khu vực Nam Á thông qua luật này. Đây được xem là sắc lệnh lịch sử, có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng người Nam Á ở Mỹ, đặc biệt là người Mỹ gốc Ấn.

“Kim tự tháp” đẳng cấp

Theo Tạp chí Time của Mỹ, từ “đẳng cấp” xuất hiện trong hệ thống phân cấp xã hội ở Ấn Độ từ hơn 3.000 năm trước. Từ “đẳng cấp” có nguồn gốc từ tiếng Latin (castus), có nghĩa là “trong sạch hoặc thuần khiết”, lần đầu tiên được đưa vào từ vựng của Ấn Độ vào thế kỷ 17 khi người Bồ Đào Nha đến tiểu lục địa Ấn Độ và sử dụng từ này để mô tả sự phân tầng xã hội của đất nước.

Rigveda-một văn bản Hindu cổ đại-miêu tả, xã hội Hindu thời đó được chia thành 4 cấp bậc là Brahmins (đẳng cấp tu sĩ hay còn gọi đẳng cấp Bà La Môn), Kshatriyas (còn được gọi là Rajanyas, là đẳng cấp của những vương công quý tộc, chiến binh), Vaishyas (thợ thủ công, thương nhân, nông dân) và Shudras (đẳng cấp nô lệ, những người làm công việc nặng nhọc). Tuy vậy, vẫn còn một đẳng cấp thứ 5 không được công nhận chính thức là Dalit (tiện dân).

leftcenterrightdel
Cộng đồng người Mỹ gốc Nam Á tại bang California kêu gọi chấm dứt phân biệt đẳng cấp. Ảnh: AP 

Những người thuộc đẳng cấp này bị coi là “nằm ngoài xã hội”, không được vào giáo đường, uống nước giếng hay dùng chung nguồn nước với những người Hindu ở tầng lớp trên. Họ phải làm các công việc bị cho là thấp hèn như nhặt rác...

Năm 1948, Ấn Độ cấm phân biệt đẳng cấp, đưa lệnh cấm này vào Hiến pháp năm 1950. Bhimrao Ramji Ambedkar, người soạn thảo văn bản hiến pháp lịch sử đó, đã được mệnh danh là “Cha đẻ của hiến pháp” và là nhà lãnh đạo đáng kính của cộng đồng Dalit.

Dù phân biệt đẳng cấp bị cấm ở Ấn Độ từ năm 1948, nhưng những người ở dưới cùng của “kim tự tháp” đẳng cấp vẫn bị coi thường cho đến ngày nay. Cục Hồ sơ tội phạm quốc gia Ấn Độ đã ghi nhận gần 51.000 vụ phạm tội đối với người Dalit vào năm 2021. Con số này có thể cao hơn bởi nhiều vụ việc không được báo cáo. Vấn nạn này cũng tồn tại ở nhiều quốc gia khác như Bangladesh, Bhutan, Maldives, Nepal, Pakistan, Sri Lanka và trong cộng đồng người Nam Á ở nước ngoài, trong đó có Mỹ.

Nỗ lực xóa bỏ định kiến

Tại Mỹ, đẳng cấp luôn là vấn đề nhạy cảm và gây tranh cãi trong cộng đồng người Mỹ gốc Nam Á, đặc biệt là người Mỹ gốc Ấn. Tạp chí Time cho biết, người Mỹ gốc Ấn tạo thành nhóm nhập cư lớn thứ hai ở xứ cờ hoa với hơn 4 triệu người.

Năm 2020, Bộ Nhà ở và bình đẳng việc làm của bang California đã đệ đơn kiện Cisco Systems-một tập đoàn công nghệ đa quốc gia của Mỹ có trụ sở chính tại San Jose, California-sau khi hai nhân viên người Mỹ gốc Ấn thuộc đẳng cấp cao phân biệt đối xử với một nhân viên ở cấp Dalit. Vụ kiện làm dấy lên làn sóng phản đối tình trạng phân biệt đẳng cấp ở thung lũng Silicon.

Ngay sau đó, Equality Labs, tổ chức dân quyền ở Mỹ đã thiết lập một đường dây nóng công khai. Chỉ sau vài ngày, đường dây nóng đã nhận được cuộc gọi khẩn cấp từ hơn 250 nhân viên công nghệ tại Google, Facebook, Apple và các công ty khác.

Nỗ lực chống phân biệt đẳng cấp cũng diễn ra ở một số trường cao đẳng và hệ thống đại học tại Mỹ. Tháng 12-2019, Đại học Brandeis gần thành phố Boston đã trở thành trường đại học đầu tiên tại Mỹ đưa vấn đề đẳng cấp vào chính sách cấm phân biệt đối xử. Đại học Harvard vào năm 2021 cũng đã thiết lập các biện pháp bảo vệ đẳng cấp cho lao động là sinh viên, như một phần trong hợp đồng với hội sinh viên sau đại học của trường.

Việc Hội đồng thành phố Seattle thông qua sắc lệnh sửa đổi, theo đó bổ sung “đẳng cấp” vào luật chống phân biệt đối xử, bên cạnh các danh mục như chủng tộc, tôn giáo và giới tính là một quyết định lịch sử. Sắc lệnh trên nhấn mạnh việc cần thiết bảo vệ cư dân khỏi tình trạng bị áp bức dựa trên đẳng cấp ngay tại nơi làm việc, chỗ công cộng hay nhà riêng; đồng thời cho phép mọi người khiếu nại về sự phân biệt đối xử.

“Sắc lệnh không loại trừ một cộng đồng nào nhưng nó cho thấy phân biệt đẳng cấp đã vượt qua những khác biệt chủng tộc và tôn giáo”, bà Kshama Sawant, Ủy viên Hội đồng thành phố Seattle, người đề xuất sắc lệnh sửa đổi trên khẳng định.

PHƯƠNG VŨ