Tại cuộc họp trực tuyến khẩn cấp gần đây của Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ nhằm thúc đẩy dự luật thắt chặt kiểm soát súng đạn mang tên “Bảo vệ trẻ em của chúng ta”, một hạ nghị sĩ phe Cộng hòa đã lần lượt rút ra 4 khẩu súng ngắn. Hạ nghị sĩ Greg Steube nói đây là vũ khí ông mang theo bên mình hằng ngày để bảo vệ bản thân và gia đình.

Trên màn hình trực tuyến, ông Steube lần lượt giơ các khẩu súng lên để mọi người dự họp cùng thấy. Là người phản đối dự luật súng đạn, ông chỉ ra rằng dự luật đang được xem xét sẽ cấm nhiều loại súng ngắn như ông đang cầm. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Đệ nhất phu nhân Jill Biden tới thăm khu tưởng niệm các nạn nhân trong vụ xả súng đẫm máu tại Trường Tiểu học Robb ở Uvalde, bang Texas. Ảnh: Reuters

Phản ứng trước hành động của hạ nghị sĩ Cộng hòa, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerrold Nadler nói “hy vọng những khẩu súng ấy không được lên đạn”. Ông Steube lập tức đáp rằng “đây là nhà tôi, tôi có thể làm bất cứ điều gì tôi muốn với súng của tôi”.

Sự việc trên đã phản ánh những tranh cãi kéo dài liên quan đến dự luật thắt chặt kiểm soát súng đạn suốt 10 năm qua ở Mỹ, bất chấp các vụ xả súng liên tiếp xảy ra gây bàng hoàng dư luận. Các nhà lập pháp thuộc Đảng Cộng hòa thường kiên quyết phản đối các dự luật kiểm soát súng đạn vốn được phe Dân chủ ủng hộ, vì cho rằng sẽ xâm phạm tới quyền được mang súng để tự vệ của công dân. 

Nhưng thực tế của vấn đề này được cho là bắt nguồn từ sức ỳ của hệ thống chính trị và sức mạnh ảnh hưởng của các nhóm vận động hành lang đại diện cho lợi ích của các nhà sản xuất súng đạn. 

Ai cũng nhận thấy cần những thay đổi mang tính hệ thống ở Mỹ để vượt qua cơn ác mộng liên quan tới bạo lực súng đạn. Nhưng việc thay đổi từ đâu và như thế nào lại không dễ có câu trả lời. Ở Mỹ không có quy định kiểm soát súng đạn chung bao trùm ở cấp liên bang, mà mỗi bang lại có quyền ra luật riêng. Điều này tạo ra tình trạng thiếu thống nhất, quy định ở mỗi nơi mỗi khác, nên nỗ lực kiểm soát súng đạn càng trở nên nan giải.

Cuộc họp của Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ diễn ra trong bối cảnh vụ xả súng ở trường tiểu học thuộc thị trấn Uvalde, bang Texas khiến 19 học sinh và 2 giáo viên thiệt mạng vừa xảy ra, và tiếp sau đó là nhiều vụ xả súng khác. Các thảm kịch một lần nữa tạo áp lực buộc các nhà lập pháp Mỹ phải hành động để kiểm soát súng đạn. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết, dự kiến dự luật “Bảo vệ trẻ em của chúng ta” sẽ được bỏ phiếu vào tuần tới.

Chưa rõ số phận của dự luật mới sẽ như thế nào, nhưng các phân tích cho thấy triển vọng không mấy sáng sủa. Trong khi phe Dân chủ chiếm đa số ở Hạ viện ủng hộ và dự luật có nhiều khả năng lọt qua cửa Hạ viện, thì cánh cửa ở Thượng viện hẹp hơn nhiều do phản đối của phe Cộng hòa. Thế cân bằng 50-50 giữa Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ ở Thượng viện chính là trở ngại chính, trong khi dự luật cần đa số phiếu (60 phiếu) để được thông qua.

Người ta lo ngại kịch bản của gần 10 năm trước sẽ tái diễn khi một dự luật vào năm 2013 đã không vượt qua được cửa ải Thượng viện. Thời điểm đó, vụ thảm sát xảy ra ngày 14-12-2012 tại Trường Tiểu học Sandy Hook ở thị trấn Newtown, bang Connecticut khi một tay súng 20 tuổi xả súng giết hại 20 học sinh, cũng làm dấy lên làn sóng đòi siết chặt kiểm soát súng đạn.

Dự luật trên được trình Quốc hội Mỹ nhằm mở rộng phạm vi kiểm tra lý lịch người mua súng, cấm súng trường tấn công và cấm băng đạn có sức chứa lớn, nhưng cuối cùng đã phải dừng lại ở Thượng viện. 

Kể từ đó đến nay, nước Mỹ vẫn chưa có gì thay đổi trong nỗ lực kiểm soát súng đạn. Con số thống kê của Gun Violence Archive, tổ chức phi lợi nhuận chuyên theo dõi bạo lực súng đạn, cho thấy nước Mỹ đã xảy ra hơn 3.500 vụ xả súng hàng loạt kể từ sau vụ ở Sandy Hook. Theo một thống kê của CBS News, từ năm 2011 tới 2016, có hơn 100 dự thảo luật kiểm soát súng đạn được trình lên Quốc hội Mỹ nhưng tất cả đều thất bại.

Thực tế ở Mỹ cho thấy có quá ít rào cản ngăn người dân sở hữu súng, kể cả ở các bang có luật kiểm soát súng đạn tương đối chặt chẽ như New York. Trong các vụ xả súng hàng loạt từng diễn ra ở nước Mỹ, các khẩu súng gây án đều được mua hợp pháp. Theo New York Times, trong rất nhiều trường hợp, việc ngăn người dân mua súng là điều không thể trừ khi họ từng phạm tội nghiêm trọng hoặc từng bị cưỡng chế điều trị tại bệnh viện tâm thần.      

XUÂN PHONG