Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo trong cuộc điện đàm ngày 2-8, Ngoại trưởng nước này Antony Blinken đã khẳng định với Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum của Niger rằng Washington vẫn nỗ lực khôi phục chính phủ được bầu cử dân chủ ở quốc gia Tây Phi. Trong khi đó, một phái đoàn của Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã đến Niger đàm phán với giới lãnh đạo cuộc đảo chính lật đổ ông Bazoum. 

Lo ngại về tình hình an ninh ở Niger sau cuộc đảo chính quân sự, nhiều nước đang tiến hành sơ tán công dân khỏi quốc gia Tây Phi này. Bộ Ngoại giao Pháp thông báo đã sơ tán 992 người, trong đó có 560 người Pháp. Pháp có khoảng 1.200 công dân tại Niger và 600 công dân có nguyện vọng rời khỏi nước này. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng chỉ đạo sơ tán một phần Đại sứ quán nước này ở Niger. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Anh thông báo Đại sứ quán nước này tại thủ đô Niamey của Niger sẽ tạm thời cắt giảm số lượng nhân viên do tình hình an ninh.

leftcenterrightdel

Công dân Pháp và các nước khác tập trung tại sân bay quốc tế ở thủ đô Niamey, Niger. Ảnh: AP 

Đảo chính quân sự diễn ra ở Niger vào ngày 26-7 vừa qua, khi một nhóm binh sĩ xuất hiện trên truyền hình quốc gia cho biết Tổng thống Bazoum đã bị phế truất vài giờ sau khi bị giam giữ trong dinh Tổng thống. Đến ngày 28-7, tướng Abdourahamane Tchiani, người đứng đầu Lực lượng Bảo vệ Tổng thống, tuyên bố là nhà lãnh đạo mới của Niger và cảnh báo rằng bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của nước ngoài sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn. 

Phe đảo chính do ông Tchiani dẫn đầu cho rằng ông Bazoum, người được bầu làm Tổng thống Niger vào năm 2021, đã không thể làm gì để ngăn chặn tình trạng bất ổn gia tăng cũng như nền kinh tế trì trệ, chìm đắm trong nghèo đói của Niger. Các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế đã lên án mạnh mẽ cuộc đảo chính quân sự tại Niger, đồng thời kêu gọi trả tự do cho ông Bazoum. 

Sau cuộc đảo chính, Niger, quốc gia vốn phụ thuộc nhiều vào viện trợ nước ngoài, phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Trong một tuyên bố, Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh quyết định ngừng mọi kế hoạch giải ngân cho Niger đến khi có thông báo mới. Với các khu vực tư nhân có quan hệ đối tác, WB sẽ tiếp tục giải ngân song có thận trọng, cân nhắc.

Trước đó, ECOWAS đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào phe đảo chính tại Niger, bao gồm đóng băng mọi giao dịch tài chính và thương mại, đóng cửa biên giới, cấm nhập cảnh đối với cá nhân tham gia và liên đới trong cuộc đảo chính. Ngoài ra, ECOWAS cũng đưa ra tối hậu thư, cảnh báo sẽ sử dụng vũ lực nếu phe đảo chính không khôi phục quyền lực cho ông Bazoum trong vòng một tuần kể từ ngày 31-7. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) thông báo khối này không công nhận chính quyền đảo chính ở Niger và quyết định đình chỉ hợp tác an ninh với quốc gia này.

Cộng đồng quốc tế bày tỏ lo ngại cuộc đảo chính ở Niger có thể tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế-xã hội và an ninh khu vực. Các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) cho rằng, diễn biến bất ổn ở Niger có thể làm gia tăng các hoạt động khủng bố và khiến tình hình khu vực thêm tồi tệ. Ông Leonardo Santos Simão, Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký LHQ tại Tây Phi và Sahel cho rằng, nếu không được giải quyết, cuộc khủng hoảng tại Niger sẽ làm trầm trọng thêm tình hình an ninh tại khu vực, đồng thời tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân ở đất nước có tới 4,3 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo này. 

Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) hiện đã cam kết duy trì hỗ trợ những người gặp nhiều khó khăn nhất tại Niger, đồng thời kêu gọi tạo điều kiện để công tác hỗ trợ người dân không gặp trở ngại. 

LÂM ANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.