Những chuyến bay sơ tán diễn ra trong bối cảnh cuộc đảo chính tại Niger lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum đang đưa đất nước vào tình trạng chính trị hết sức căng thẳng.

leftcenterrightdel

Phi cơ sơ tán công dân Italy và công dân các nước châu Âu và châu Mỹ khác hạ cánh tại sân bay Ciampino, thủ đô Rome (Italy) rạng sáng 2-8. Ảnh: Reuters

AFP dẫn lời Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna cho biết phi cơ Airbus A330 chở 262 người, gồm cả trẻ sơ sinh đã hạ cánh tại sân bay Paris Charles de Gaulle (Roissy). Hầu hết hành khách đều là người Pháp, một số là công dân các nước châu Âu. Ngoài ra còn có hành khách là người Nigeria, Bồ Đào Nha, Bỉ, Ethiopia và Lebanon.

Theo Reuters, phi cơ của Italy hạ cánh xuống Niamey ngày 1-8 để sơ tán 36 công dân nước này và 21 công dân các quốc gia khác đã trở về Rome sáng sớm hôm nay 2-8.

Trước đó, ngày 30-7, sau cuộc biểu tình của người dân Niger bên ngoài đại sứ quán Pháp ở thủ đô Niamey, Pháp cho biết sẽ rút công dân ra khỏi Niger và đề nghị sơ tán cả những công dân châu Âu khác.

Lý do Pháp đưa ra cho việc sơ tán là do bạo lực xảy ra tại Đại sứ quán Pháp và Niger đang đứng trước nguy cơ “đóng cửa không phận khiến công dân Pháp không thể rời đi”. Tuy nhiên, ngày 1-8, chính quyền quân sự Niger đã thông báo rằng họ đã mở lại biên giới trên bộ và trên không với 5 quốc gia láng giềng.

Cùng ngày, Đức đã kêu gọi công dân nước mình tham gia các chuyến bay sơ tán do Pháp tổ chức. Tây Ban Nha cũng cho biết nước này đang chuẩn bị sơ tán hơn 70 công dân bằng đường hàng không.

Đảo chính tại Niger

Ngày 26-7, các binh sĩ thuộc lực lượng cận vệ Niger tiến hành đảo chính, bắt giữ Tổng thống Mohamed Bazoum và giam lỏng ông tại dinh thự ở thủ đô Niamey, đồng thời đóng cửa biên giới và áp lệnh giới nghiêm toàn quốc.

leftcenterrightdel
 Người biểu tình ủng hộ chính quyền quân sự Niger bên ngoài đại sứ quán Pháp ở thủ đô Niamey của Niger ngày 30-7. Ảnh: Reuters

Ngày 28-7, Tướng Abdourahamane Tchiani, chỉ huy lực lượng cận vệ, được chọn làm tân lãnh đạo chính quyền quân sự thay ông Bazoum trong giai đoạn chuyển tiếp và cảnh báo rằng bất kỳ sự can thiệp quân sự nào từ nước ngoài đều khiến căng thẳng leo thang.

Ngày 31-7, chính quyền quân sự Niger cáo buộc Pháp “đang tìm cách can thiệp quân sự vào Niger” nhằm giải cứu Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum.

Tuy nhiên ngay sau đó, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna phủ nhận cáo buộc trên đồng thời nhận định có thể khôi phục quyền lực cho cựu tổng thống Mohamed Bazoum. Ông cho rằng điều này là cần thiết vì tình hình bất ổn có thể gây ra những ảnh hưởng nguy hại cho cả Niger và các nước láng giềng, AFP dẫn lời Ngoại trưởng Pháp.

Cộng đồng quốc tế lên tiếng phản đối

Ngày 28-7, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra thông cáo lên án hành động đảo chính ở Niger và kêu gọi chính quyền quân sự Niger trả tự do cho Tổng thống Mohamed Bazoum. Liên minh châu Phi (AU) đưa ra tối hậu thư 15 ngày để Quân đội Niger khôi phục lại trật tự hiến pháp. Đồng thời, Mỹ, Pháp, và Liên minh châu Âu (EU) cũng đe dọa sẽ cắt viện trợ cho Niger.

Ngày 30-7, Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với chính quyền quân sự Niger và cảnh báo sẽ sử dụng vũ lực để khôi phục lại quyền lực cho ông Bazoum.

Cùng ngày, Chính phủ Anh đã ra tuyên bố lên án các hành động phá hoại hòa bình và ổn định đang diễn ra tại Niger sau vụ đảo chính lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum.

Bộ Ngoại giao Algeria cũng ra tuyên bố lên án mạnh mẽ cuộc đảo chính ở quốc gia láng giềng và kêu gọi ngay lập tức chấm dứt bạo lực.

Điện Kremlin cũng lên tiếng về tình hình ở Niger đang “gây lo ngại nghiêm trọng” và kêu gọi Niger nhanh chóng khôi phục trật tự hiến pháp. Cùng chung quan điểm, Bộ Ngoại giao Đức cho rằng tình hình vẫn đang thay đổi liên tục và có khả năng cuộc đảo chính sẽ thất bại.

Điều gì dẫn đến đảo chính quân sự ở Niger?

Niger là quốc gia thuộc khu vực Sahel của châu Phi, một trong những khu vực bất ổn chính trị nhất hiện nay. Dải đất phía Nam sa mạc Sahara cũng đã chứng kiến nhiều cuộc đảo chính, bao gồm các cuộc đảo chính ở 2 quốc gia láng giềng Mali (tháng 5-2021) và Burkina Faso (tháng 10-2022).

Giới lãnh đạo quân sự của Niger cho rằng cuộc đảo chính có thể thay đổi chiến dịch đối phó với phiến quân Hồi giáo cực đoan ở vùng Sahel. Hiện tại, có khoảng 1.500 binh sĩ Pháp và gần 1.000 lính Mỹ đang đồn trú ở khu vực quân sự của sân bay quốc tế Niamey, thủ đô Niger, nơi còn được gọi là căn cứ không quân 101.

Theo phe đảo chính, sự nổi dậy này cũng là một phản ứng trước “tình trạng an ninh xuống cấp”, nạn tham nhũng tràn lan cũng như khó khăn do suy thoái kinh tế.

Niger cũng đang nỗ lực hỗ trợ người tị nạn sau cuộc khủng hoảng kinh tế, vì có gần 42% người dân hiện đang sống trong tình trạng cùng cực, theo Ngân hàng Thế giới.

Liên hợp quốc cũng thống kê rằng Niger có khoảng 251.760 người tị nạn, chủ yếu đến từ Nigeria và Mali, nơi hàng nghìn người đã phải chạy trốn do khủng hoảng an ninh trong khu vực.

Chia sẻ với CNN, ông Cameron Hudson, cộng tác viên cao cấp tại Chương trình châu Phi của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, cho rằng nghèo đói và khủng bố là những yếu tố góp phần gia tăng sự bất ổn tại quốc gia này.

Theo một báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược châu Phi của Lầu Năm Góc, các vụ bạo lực liên quan đến các nhóm phiến quân Hồi giáo của Sahel đã tăng gấp đôi, lên con số 2.912 kể từ năm 2021. Số người tử vong đã tăng gấp 3 lần, lên tới 9.818 người.

Chỉ riêng trong năm nay, cho tới thời điểm hiện tại đã có hơn 1.100 cuộc tấn công nhằm vào dân thường, khiến hơn 2.000 người thiệt mạng.

QUỲNH OANH (tổng hợp)