AP đưa tin, ngày 28-8, Thủ tướng Anh Starmer và người đồng cấp Đức Olaf Scholz đã nhất trí xây dựng một thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa hai nước, bao gồm các lĩnh vực từ kinh tế-thương mại, quốc phòng đến khoa học-công nghệ, năng lượng sạch, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, an ninh năng lượng, chuyển đổi xanh, đa dạng sinh học và môi trường, vấn nạn người di cư...
|
|
Thủ tướng Anh Keir Starmer (bên trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: PA Images |
Thỏa thuận trên là một phần trong những nỗ lực hậu Brexit của London nhằm làm ấm lại mối quan hệ Anh-EU. Thủ tướng Starmer-người nhậm chức vào tháng trước-đã đặt việc cải thiện quan hệ với EU là trọng tâm trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Anh. Ngoài ra, Anh, Đức và các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đang tìm kiếm những cách thức để củng cố hơn nữa hợp tác quốc phòng, trong bối cảnh Mỹ có khả năng giảm quy mô hỗ trợ quân sự cho Ukraine nếu ứng cử viên Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11 tới.
Phát biểu tại họp báo chung với người đồng cấp Đức, Thủ tướng Starmer tuyên bố thỏa thuận hợp tác mới là “cơ hội nghìn năm có một” mang lại lợi ích cho người lao động ở cả Anh và Đức. “Chúng tôi hiểu rõ rằng việc xây dựng quan hệ tốt đẹp với các đối tác tại Đức và trên khắp EU là rất quan trọng”, ông Starmer nhấn mạnh, không quên lưu ý rằng nỗ lực sưởi ấm quan hệ Anh-EU không có nghĩa là đảo ngược quyết định Anh rời EU (Brexit) hoặc tái gia nhập thị trường chung hay liên minh thuế quan của khối này. “Anh luôn đóng vai trò không thể thiếu trong việc giải quyết các vấn đề lớn ảnh hưởng đến toàn bộ EU”, Thủ tướng Starmer khẳng định.
Về phần mình, Thủ tướng Đức Scholz cho biết ông hoan nghênh mong muốn của nhà lãnh đạo trung tả Starmer về một khởi đầu mới trong quan hệ Anh-EU, rằng "chúng tôi muốn nắm lấy bàn tay dang rộng này". Hai nhà lãnh đạo bày tỏ hy vọng có thể hoàn tất các thỏa thuận song phương vào cuối năm nay.
Rời Đức, Thủ tướng Anh tới Paris tham dự lễ khai mạc Paralympics Paris 2024 và có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Tại đây, hai bên đã thảo luận về tình hình Ukraine, Trung Đông, các vấn đề song phương về thương mại, quốc phòng, an ninh, cũng như việc làm ấm lại mối quan hệ của Anh với Pháp nói riêng và với EU nói chung. Bày tỏ quan tâm đến tình hình chính trị tại Pháp, Thủ tướng Anh cho biết làn sóng tư tưởng cực hữu là “mối đe dọa rất thực tế” cần sớm được giải quyết. Trong tháng đầu tiên tại nhiệm, chính quyền Thủ tướng Starmer đã phải đối mặt với làn sóng bạo loạn trên khắp nước Anh và Bắc Ireland do tư tưởng cực hữu, chống nhập cư và thông tin sai lệch trên mạng gây ra.
Theo nhà lãnh đạo Anh, mối lo ngại của ông một phần xuất phát từ tình hình bất ổn mùa hè này ở Anh, cũng như ở các nước EU khác bao gồm Pháp và Đức, nơi chứng kiến các đảng cực hữu đạt được những thành tựu đáng kể trong các cuộc bầu cử địa phương. Tổng thống Macron từng phải tuyên bố giải tán Quốc hội Pháp sau khi đảng cực hữu National Rally của đối thủ Marine Le Pen bất ngờ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu hồi tháng 6.
The Guardian nhận định, nỗ lực “sưởi ấm” mối quan hệ giữa Anh và EU của Thủ tướng Starmer là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn nhằm cải thiện hình ảnh và vị thế của nước Anh. Các bên đều kỳ vọng, sự hàn gắn quan hệ giữa Anh với hai nền kinh tế đầu tàu của EU "có ý nghĩa quan trọng không chỉ trong giải quyết vấn nạn di cư bất hợp pháp trên toàn cầu, mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng cường an ninh trên khắp lục địa".
HÀ PHƯƠNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.