Theo Reuters, năm 2022, kinh tế Philippines có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong hơn 4 thập kỷ. Cụ thể, theo Cơ quan Thống kê quốc gia Philippines (PSA), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia Đông Nam Á đã tăng 7,6% trong năm ngoái. Đây là mức tăng nhanh nhất kể từ năm 1976 và cao hơn mục tiêu của chính phủ đưa ra là 6,5-7,5%. Chỉ tính riêng trong quý IV-2022, tăng trưởng kinh tế Philippines cũng vượt kỳ vọng với mức tăng 7,2% so với ước tính trung bình 6,5% trong một cuộc khảo sát do Reuters thực hiện.

Một góc thủ đô Manila, Philippines.Ảnh: Reuters 

Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế Philippines Arsenio Balisacan cho rằng kết quả này có được là nhờ nhu cầu trong nước gia tăng mạnh mẽ, việc làm tăng và chi tiêu tiêu dùng phục hồi sau khi dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đại dịch và mở cửa trở lại trong 3 tháng cuối năm 2022. “Chúng tôi tự tin rằng Philippines sẽ duy trì quỹ đạo tăng trưởng cao”, Bộ trưởng Balisacan phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 26-1. Ông cho biết việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế Philippines, đồng thời khẳng định ưu tiên của chính phủ vẫn là kiểm soát giá hàng hóa và bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh lạm phát tăng cao ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân nước này.

Giống như phần còn lại của thế giới, Philippines đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao, hiện đang ở mức cao nhất trong 14 năm qua, nếu không được kiểm soát có thể làm giảm tiêu dùng trong nước, một động lực chính của tăng trưởng. Các quan chức nước này đang đặt mục tiêu kinh tế Philippines tăng trưởng 6-7% trong năm 2023. "Đó là mức tăng trưởng rất đáng nể nếu đạt được", Bộ trưởng Balisacan khẳng định.

Trong khi đó, Indonesia cũng đón nhận tin vui khi nước này ghi nhận mức tăng trưởng FDI cao nhất thế giới vào năm ngoái. Theo thông tin do Bộ trưởng Đầu tư Indonesia Bahlil Lahadalia cung cấp, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đã thu hút 45,6 tỷ USD vốn FDI trong năm 2022-tăng 44,2% so với năm 2021. Đây là mức tăng trưởng FDI cao nhất trong lịch sử của quốc gia Đông Nam Á này.

Các ngành công nghiệp kim loại, máy móc và thiết bị nhận được phần vốn FDI lớn nhất, lên tới 10,96 tỷ USD. Lĩnh vực khai khoáng đứng thứ hai với 5,1 tỷ USD, tiếp đó là hóa chất và dược phẩm (4,5 tỷ USD), vận tải và viễn thông (4,1 tỷ USD), cung ứng điện, khí đốt và nước sạch (3,8 tỷ USD), bất động sản (3 tỷ USD)...

Cũng theo Bộ trưởng Bahlil, các dự án đầu tư trong và ngoài nước đã tạo ra hơn 1,3 triệu việc làm mới trong năm ngoái. Một điểm đáng khích lệ khác là các tỉnh bên ngoài đảo Java là một trong những nơi thu hút nhiều vốn FDI nhất. Ông Bahlil nhấn mạnh việc phân phối đầu tư đồng đều sẽ cho phép tạo ra các động lực tăng trưởng kinh tế mới trên khắp Indonesia và giảm bớt sự phụ thuộc vào hòn đảo đông dân nhất ở nước này là Java.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo những rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu và việc bắt đầu quá trình vận động chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử năm 2024 của Indonesia có thể khiến việc bảo đảm tăng trưởng FDI trong năm nay trở nên khó khăn hơn.

Dẫu vậy, trong bối cảnh tình hình thế giới tương đối ảm đạm, với không ít nguy cơ, những kết quả mà các nền kinh tế khu vực Đông Nam Á đạt được trong năm qua được xem là điểm sáng của bức tranh kinh tế toàn cầu. Các chuyên gia nhận định, các nền kinh tế Đông Nam Á đã phục hồi trong năm ngoái và điều này sẽ giúp ích cho họ khi đối mặt với những thách thức của năm nay, trong đó có nguy cơ suy thoái ở Mỹ, Anh và châu Âu, các điều kiện tài chính bị thắt chặt, căng thẳng gia tăng trong quan hệ Mỹ-Trung và xung đột Nga-Ukraine, cùng nhiều vấn đề khác.

Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) có trụ sở tại Singapore dự báo, các nền kinh tế lớn của Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 5% trong năm 2023. Đây vẫn là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất thế giới vào năm nay, dù mức tăng trưởng kinh tế có thể sẽ giảm nhẹ so với năm 2022, theo trang Asean Briefing.

NGỌC HÂN