CNN cho biết, sau khi rời Campuchia, Tổng thống Mỹ sẽ tới Bali, Indonesia dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), nơi ông dự kiến gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là một trong những sự kiện được kỳ vọng nhất bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20.

Trước đó, tại cuộc họp báo ngày 10-11, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết: “Cuối ngày 14-11, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ họp song phương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình”. Đây sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Biden nhậm chức vào tháng 1-2021. Trước đó, Tổng thống Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần tiến hành điện đàm. Hai ông cũng từng gặp nhau vào các năm 2011 và 2015, khi ông Biden đang giữ cương vị Phó tổng thống Mỹ.

 Các quan chức Campuchia chào đón Tổng thống Mỹ Joe Biden khi ông đến sân bay quốc tế Phnom Penh ngày 12-11. Ảnh: CNN

Theo thông báo của Nhà Trắng được hãng tin Reuters dẫn lại, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về những nỗ lực để duy trì và làm sâu sắc hơn các đường dây liên lạc giữa Mỹ và Trung Quốc, quản lý cạnh tranh một cách có trách nhiệm và làm việc cùng nhau ở những lĩnh vực mà lợi ích của hai bên phù hợp, đặc biệt là về những thách thức xuyên quốc gia ảnh hưởng đến cộng đồng quốc tế.

Về phía Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này Triệu Lập Kiên khẳng định, Trung Quốc coi trọng đề nghị của Mỹ về việc tổ chức cuộc gặp giữa hai nguyên thủ quốc gia ở Bali. Hiện tại, hai bên đang duy trì liên lạc trong vấn đề này. Ông nhấn mạnh chính sách của Trung Quốc đối với Mỹ rõ ràng và nhất quán, theo đó bảo đảm tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng thắng.

Quan hệ Mỹ-Trung vài năm trở lại đây diễn biến phức tạp trên một loạt vấn đề, từ an ninh, kinh tế cho tới chính trị. Tuy nhiên, quan hệ gia tăng tính chất căng thẳng, đối đầu không làm thay đổi một thực tế là hai bên vẫn cần giao thiệp hiệu quả với nhau.

Cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung diễn ra vào thời điểm ông Tập Cận Bình vừa được bầu làm Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp tại Đại hội lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong khi nước Mỹ vẫn đang nín thở chờ kết quả của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ, vốn được coi như cuộc trưng cầu ý dân toàn liên bang đối với kết quả điều hành Chính phủ của Tổng thống Joe Biden nói riêng và Đảng Dân chủ nói chung trong gần hai năm qua.

Theo đánh giá của giới phân tích, không nhiều kỳ vọng cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới sẽ mang lại những kết quả lớn hay giúp giảm căng thẳng, tháo gỡ các vấn đề, song đây là cơ hội để lãnh đạo hai nước có thể đi đến sự thấu hiểu chung về những ưu tiên cũng như ý định của bên còn lại, qua đó làm giảm bớt những hiểu lầm và nhận thức sai lầm.

Ngày 9-11, ông Biden khẳng định, ông đã thông báo rõ cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về chủ trương theo đuổi “sự cạnh tranh” chứ không phải là “xung đột” trong quan hệ giữa hai cường quốc. Người đứng đầu Nhà Trắng cho biết, ông muốn tìm hiểu rõ “lằn ranh đỏ” của Mỹ và Trung Quốc là gì, để nắm được đâu là lợi ích quốc gia quan trọng của mỗi bên và xác định xem những lợi ích này có xung đột với nhau hay không, để từ đó tìm ra cách giải quyết.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, bên cạnh nội dung trao đổi về quan hệ song phương, Tổng thống Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng có thể sẽ thảo luận về vấn đề Ukraine và Triều Tiên.

HÀ LAN