Những "phi hành gia" đầu tiên
"Liệu con người có thể bay lên và tồn tại ngoài vũ trụ hay không?" là câu hỏi nan giải đầu những năm 50 của thế kỷ 20. Các nhà khoa học Liên Xô khi ấy lựa chọn chó làm ứng viên lý tưởng cho nhiệm vụ giải đáp thắc mắc này. Không những dễ huấn luyện, chó còn có sức chịu đựng tốt trong không gian chật hẹp của khoang tàu.
Xuất thân từ đường phố Moscow, chú chó nhỏ có tên “Laika” được lựa chọn để trở thành ứng viên đầu tiên cho sứ mệnh chinh phục vũ trụ. Nhưng do không có kinh nghiệm thu hồi tàu về Trái Đất, Laika được xác định sẽ hy sinh vì sự nghiệp khoa học của nhân loại.
Sau khóa huấn luyện, tàu vũ trụ “Sputnik-2” cất cánh, chở theo Laika vào ngày 3-11-1957. Nhịp tim của Laika ban đầu tăng vọt do sợ hãi, sau đó trở lại bình thường khi tàu ổn định quỹ đạo. Laika chết vài giờ sau đó trước sự tiếc thương của các nhà khoa học. Chuyến bay của Laika đánh dấu sinh vật sống đầu tiên bay vào vũ trụ, chứng minh rằng con người có thể tồn tại trong môi trường không trọng lực.
 |
Chú chó Laika. Ảnh: Sputnik |
Rút ra vô số kinh nghiệm, ngày 19-8-1960, hai chú chó “Belka” (Sóc) và “Strelka” (Mũi tên) cất cánh. Sau một ngày trên quỹ đạo, “phi hành đoàn” hạ cánh an toàn. Belka và Strelka trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới. Thông qua cặp đôi “phi hành gia”, trẻ em Liên Xô được học về việc đối xử tử tế với động vật, đặc biệt là với chó.
Cứu chủ trong sóng thần
Ngày 26-12-2004, chú chó nhỏ Selvakumar, sống trong một gia đình dân chài nghèo tại tỉnh Pondicherry, miền Nam Ấn Độ, trở thành vị cứu tinh của cậu bé 7 tuổi Dinakaran.
Đó là một ngày trời xanh, gió nhẹ, khiến mọi người mất cảnh giác lúc cơn sóng thần khủng khiếp ập vào ngôi làng. Do quá hoảng sợ, cậu bé Dinakaran không kịp cùng gia đình chạy khỏi ngôi nhà chỉ cách bờ biển gần 40m.
Ngôi nhà tồi tàn bắt đầu rung lắc khi bức tường nước ập đến, trước sự kinh hoàng của cha mẹ cậu bé. Trong tích tắc, họ tưởng sẽ vĩnh viễn không còn gặp lại người con trai. Nhưng một điều kỳ diệu đã xảy ra khi cậu bé được cứu sống nhờ công của chú chó Selvakumar.
Bằng tất cả sức lực của mình, Selvakumar dùng mũi hích, dùng răng níu lấy cậu bé. Chú vừa chống chọi lại dòng nước chảy ngày càng mạnh, vừa cắn lấy cổ áo Dinakaran. Cậu bé cùng chú chó bơi kịp vào chỗ an toàn ngay trước lúc mực nước dâng lên, quét sạch ngôi làng của gia đình cậu.
Chiến sĩ mẫn cán trên chiến trường
Ngày 4-3-2017, thành phố Palmyra (Syria) được giải phóng khỏi tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nhưng hàng nghìn thiết bị nổ vẫn còn sót lại. Lực lượng công binh Nga lập tức mở chiến dịch loại bỏ hiểm họa. Luôn đi trước các chiến sĩ là những chú chó được huấn luyện đặc biệt cho nhiệm vụ nguy hiểm ấy. Chó công binh có thể đánh hơi thấy mùi chất nổ với hàm lượng rất nhỏ, các thiết bị nổ không dùng kim loại có thể đánh lừa máy dò mìn, nhưng không thể thoát được khứu giác cực nhạy của chó. Đến tháng 12-2017, các chú chó công binh đã phát hiện hàng nghìn thiết bị nổ, giúp hàng nghìn người tránh khỏi thương tật.
Những chú chó tại Syria là sự tiếp nối truyền thống từ những ngày đầu thành lập Liên Xô. Năm 1924, một “học viện” cao cấp dành cho chó nghiệp vụ được xây dựng ở Moscow. Trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, những chú chó đánh hơi bom, mìn được biên chế vào các đơn vị công binh Liên Xô. Mỗi khi rà phá xong một khu vực, các chiến sĩ công binh cắm biển báo “Ở đây không có mìn” cùng với hình vẽ chú chó như lời khẳng định chó công binh là các “chuyên gia” rà phá hiệu quả nhất.
Hàng nghìn chú chó công binh Liên Xô (trước đây) và sau này của LB Nga đã được trao tặng huân chương, hưởng chế độ chăm sóc đặc biệt khi đến tuổi “nghỉ hưu”, khi qua đời được an táng theo nghi lễ quân đội.
ĐĂNG SƠN