Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên ngày 23-4 đăng bài xã luận cảnh báo các lực lượng Triều Tiên sẵn sàng đánh chìm tàu sân bay hạt nhân của Mỹ, nhấn mạnh đây sẽ là "vụ tấn công điển hình thể hiện sức mạnh quân sự" của Triều Tiên. Tuyên bố của Triều Tiên được đưa ra trong bối cảnh tàu sân bay USS Carl Vinson cùng nhóm tàu chiến của Hải quân Mỹ ngày 23-4 đã bắt đầu cuộc tập trận chung với các tàu khu trục của Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản (MSDF) ở Tây Thái Bình Dương.

Như một điều hiển nhiên, các tàu sân bay hạt nhân luôn là biểu tượng sức mạnh của siêu cường Mỹ ở ngoài lãnh thổ. Riêng tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN 70) (chưa tính đến các tàu hộ tống, tàu ngầm đi kèm trong một nhóm tấn công) đã hội tụ sức mạnh lớn hơn hầu hết sức mạnh không quân của đa số các quốc gia trên thế giới.

leftcenterrightdel
USS Carl Vinson có thể chở tối đa 90 máy bay các loại. Ảnh: Getty 
Tàu sân bay USS Carl Vinson là một trong 10 tàu sân bay năng lượng hạt nhân lớp Nimitz thuộc phiên chế của Hải quân Mỹ. Theo Military Factory, được đặt hàng vào năm 1974 và chính thức phiên chế năm 1982, tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN 70) sở hữu hai lò phản ứng năng lượng hạt nhân Westinghouse-brand A4W cùng 4 tua-bin hơi, cho phép tàu đạt vận tốc 55km/giờ với lượng giãn nước 97.000 tấn. Tàu được đặt tên Carl Vinson, đại biểu Quốc hội bang Gioóc-gia (Georgia) để ghi nhận những đóng góp của ông cho Hải quân Mỹ. 

Để vận hành hết công năng của con tàu dài 332,84m, rộng 76,81m, cao 12,5m, USS Carl Vinson có lực lượng thủy thủ đoàn hùng hậu lên tới 5.680 người. Tàu USS Carl Vinson được trang bị khoảng 90 máy bay nhiều loại, bao gồm tiêm kích hạm F/A-18F Super Hornet, máy bay cảnh báo sớm E-2C Hawkeye và máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler. Khả năng tấn công của USS Carl Vinson được bổ trợ bằng năng lực phòng thủ gồm: 2 bệ phóng tên lửa đối không Sea Sparrow, 2 bệ phóng tên lửa đối không tầm gần RIM. Ngoài ra, 3 hệ thống vũ khí CIWS cung cấp năng lực chống tên lửa tầm gần/máy bay trong trường hợp các vật thể này có cơ may vượt qua hệ thống máy bay và năng lực phòng thủ của tàu sân bay USS Carl Vinson.

Tháng 2-2017, Hải quân Mỹ tiết lộ USS Carl Vinson được điều động tuần tra ở vùng Biển Đông có tranh chấp, động thái khiến Trung Quốc vốn có các tuyên bố chủ quyền phi lý đã bị Tòa trọng tài quốc tế bác bỏ, nổi giận. Tháng 4-2017, USS Carl Vinson được điều tới khu vực Bán đảo Triều Tiên sau hàng loạt vụ phóng thử tên lửa của Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, USS Carl Vinson không hoạt động riêng rẽ mà nằm trong cụm tàu chiến đấu tàu sân bay Carl Vinson, được hộ tống bởi các tàu khu trục tên lửa USS Wayne E.Meyer (DDG-108) và USS Michael Murphy (DDG-112) đều thuộc lớp Arleigh Burke, cùng với tuần dương hạm USS Lake Champlain (CG-57) lớp Ticonderoga.

Trong đó, 2 tàu khu trục Mỹ có thể mang tới 128 quả tên lửa Tomahawk, còn tuần dương hạm lớp Ticonderoga được trang bị tới 122 quả tên lửa Tomahawk. Đây chính là loại tên lửa hành trình mà hai tàu khu trục Mỹ USS Ross và USS Porter nã vào căn cứ không quân Xy-ri hôm 6-4.

Trong bài viết của mình hôm 23-4, tờ báo của đảng Lao động Triều Tiên tuyên bố: "Các lực lượng cách mạng của chúng ta sẵn sàng chiến đấu để đánh chìm một tàu sân bay hạt nhân Mỹ chỉ bằng một đòn". Không chỉ có vậy, bài viết còn ví tàu sân bay USS Carl Vinson là "loài vật to béo" và tấn công con tàu là "ví dụ thực tế để phô diễn sức mạnh quân sự".

Chính vì thế, vấn đề đang được quan tâm là Triều Tiên có những vũ khí nào để cụ thể hóa tuyên bố này khi sức mạnh vượt trội của USS Carl Vinson và nhóm tàu tác chiến là không thể phủ nhận.

Theo Cán cân quân sự năm 2015 của Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế IISS, Không quân Triều Tiên có khoảng 563 máy bay chiến đấu các loại. Tuy nhiên, đa số máy bay của Triều Tiên đều lạc hậu và khó đáp ứng được yêu cầu tác chiến hiện đại. Lực lượng có năng lực tác chiến mạnh nhất của Không quân Triều Tiên là khoảng 40 chiếc tiêm kích MiG-29 do Liên Xô chế tạo. Theo các chuyên gia quân sự, ngay cả khi MiG-29 được cải tiến để tiếp cận được tàu sân bay Mỹ thì nó cũng phải vượt qua ít nhất 3 lớp phòng thủ và điều đó là không khả thi.

Nhưng Triều Tiên lại tự tin vào khả năng đối hạm trước Mỹ bởi nước này đã phát triển thành công một loại tên lửa chống hạm cực tối tân. Trong tháng 2-2015, Báo Rodong Sinmun đưa tin Triều Tiên tiến hành thử nghiệm một loại tên lửa chống hạm mới có thiết kế rất giống Kh-35 của Nga. "Một loại mới của tên lửa chống hạm do các nhà khoa học Triều Tiên phát triển và sẽ mang đến "một sự thay đổi lớn trong khả năng bảo vệ lãnh hải của hải quân", tờ Rodong Sinmun cho biết. G.Le-uýt (Jeffrey Lewis), thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Monterey, Ca-li-phoóc-ni-a cho biết, tên lửa này được thiết kế để nhắm mục tiêu tàu sân bay Mỹ. Tên lửa có tầm bắn khoảng 130km và được lắp trên các tàu tên lửa tốc độ cao.

Kh-35 (NATO định danh là SS-N-25 Switchblade) là loại tên lửa chống tàu tốc độ cận âm, đa năng có thể phóng từ nhiều phương tiện khác nhau (tàu chiến, máy bay cánh bằng, trực thăng, bệ phóng di động), khó đánh chặn. Với trọng lượng đầu đạn nặng 145kg, Kh-35 được cho là có khả năng đánh chìm tàu chiến lượng giãn nước chừng 5.000 tấn bằng một phát bắn. Về tầm bắn, có sự khác biệt giữa các biến thể; biến thể đời đầu đạt tầm 120km, biến thể xuất khẩu Kh-35 Uran-E bắn xa 130km. Biến thể “khủng” nhất là Kh-35U trang bị cho Hải quân Nga, có khả năng đạt tầm bắn xa tới 260km (dùng ra-đa chủ động Gran-KE có tầm trinh sát tới 50km).

Nếu thông tin được Triều Tiên công bố là đúng thì lời tuyên bố của Triều Tiên không chỉ là nói suông. Tuy nhiên, hiện giới chức quân đội Mỹ đang cố gắng tìm hiểu xem liệu Triều Tiên đã thực sự sở hữu tên lửa Kh-35 hoặc phiên bản tương tự hay chưa.

NGỌC HÀ