Phát biểu tại hội đàm, Tổng thống Joe Biden đã tái khẳng định cam kết bảo vệ Nhật Bản, đồng thời tuyên bố liên minh Mỹ-Nhật là “nền tảng” của hòa bình ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Về phần mình, Thủ tướng Kishida Fumio đã hoan nghênh việc Tổng thống Biden tới thăm Nhật Bản và coi đây là biểu tượng cho cam kết của Mỹ với khu vực này.

Hai nhà lãnh đạo cam kết tăng cường khả năng răn đe và phản ứng của liên minh Mỹ-Nhật. Thủ tướng Kishida bày tỏ quyết tâm củng cố năng lực quốc phòng của Nhật Bản và bảo đảm sẽ tăng đáng kể ngân sách quốc phòng để thực hiện điều này. Tổng thống Biden đánh giá cao quyết tâm của nhà lãnh đạo Nhật Bản.

Cũng tại hội đàm, hai bên tái khẳng định Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là khu vực có tầm quan trọng sống còn đối với hòa bình, an ninh và thịnh vượng toàn cầu. Đây cũng là khu vực đang đối mặt với nhiều thách thức an ninh. Thủ tướng Kishida kêu gọi hai nước đi đầu trong việc hiện thực hóa khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

 Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Ảnh: Reuters

 

Hai nhà lãnh đạo bày tỏ quyết tâm không ngừng hiện đại hóa liên minh giữa hai nước, phát triển các vai trò và sứ mệnh song phương, đồng thời tăng cường năng lực chung, bao gồm cả việc thống nhất các chiến lược và ưu tiên các mục tiêu cùng nhau. Cả hai đều thống nhất quan điểm về sự cần thiết phải củng cố và hiện đại hóa hệ thống đa phương để có thể đáp ứng tốt hơn những thách thức của thế kỷ 21. Theo Thủ tướng Kishida, Tổng thống Biden cũng bày tỏ ủng hộ việc Nhật Bản trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. 

Ngoài các vấn đề hợp tác song phương, Tổng thống Biden và Thủ tướng Kishida cũng đề cập đến các vấn đề quốc tế cùng quan tâm như vấn đề biến đổi khí hậu, giải trừ vũ khí hạt nhân, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, vấn đề tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Bên cạnh đó, Thủ tướng Kishida cũng thông báo với Tổng thống Biden về kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh năm 2023 của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở Hiroshima.

Đáng chú ý, tại cuộc họp báo sau hội đàm, người đứng đầu Nhà Trắng đã tiết lộ, hai bên nhất trí khởi động hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ hướng tới mục tiêu là Sao Hỏa và Mặt Trăng. Mỹ mong muốn các phi hành gia đầu tiên của Nhật Bản đóng góp vào việc xây dựng Trạm vũ trụ Gateway và tham gia vào sứ mệnh trên Mặt Trăng trong khuôn khổ loạt dự án Artemis.

Mỹ và Nhật Bản cũng nhất trí tăng cường hợp tác trong việc nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn nhằm mở rộng năng lực sản xuất của mỗi nước và bảo đảm nguồn cung chip ổn định. Trong thời gian gần đây, thị trường chất bán dẫn thế giới đã rơi vào tình trạng khan hiếm do tác động của đại dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine. Vì vậy, việc bảo đảm ổn định nguồn cung vật liệu chiến lược này đang trở thành một vấn đề cấp bách đối với nhiều nước, trong đó có Nhật Bản và Mỹ. 

Trước đó, vào sáng cùng ngày, Tổng thống Biden đã hội kiến Nhật hoàng Naruhito ở hoàng cung. Theo Cơ quan Nội chính hoàng gia, đây là lần thứ hai Nhật hoàng Naruhito tiếp một tổng thống Mỹ kể từ khi lên ngôi vào tháng 5-2019. 

Ngày 24-5, Tổng thống Biden và Thủ tướng Kishida dự kiến sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh của nhóm Bộ Tứ cùng với lãnh đạo của Australia và Ấn Độ ở Tokyo.

BẢO CHÂU