Florian Hell đến từ Thụy Sĩ, cùng hơn 20 sinh viên, khách du lịch quốc tế vừa tham gia hoạt động trải nghiệm thực tế tại Công ty Hakutsuru - nhà sản xuất rượu sake hàng đầu Nhật Bản. Họ cùng nhau trồng lúa theo cách truyền thống. Giống lúa này là Hakutsuru-nishiki, được lai tạo từ Yamada-nishiki – một trọng những loại gạo để nấu rượu sake ngon nhất Nhật Bản.

Tiếp theo đó, các du khách được tìm hiểu về quy trình sản xuất rượu sake. Hai bát gạo, một là loại gạo trắng bình thường, bát còn lại là gạo Hakutsuru-nishiki; cùng với đó, ba loại nước, mỗi loại chứa hàm lượng khoáng khác nhau được giới thiệu. Thông qua buổi thuyết trình và nấu thử, Florian và các vị khách du lịch khác có thể biết được loại gạo và nước nào là nguyên liệu để nấu ra rượu sake thượng hạng nhất của Công ty Hakutsuru.

Du khách nước ngoài tham gia trồng lúa để nấu rượu sake tại Công ty Hakutsuru.

Theo Florian, anh thích rượu sake nhưng lại chỉ có thể thưởng thức được ở các cửa hàng bán đồ Nhật Bản ở nước mình. Vì vậy, được tìm hiểu và tận tay nấu rượu sake mang lại cảm giác thích thú hơn là chỉ ngồi uống ở quán.

Trong khi đó, ông Satoru Matsushita, Phó giám đốc phụ trách bán hàng của Công ty Hakutsuru khẳng định, những trải nghiệm thực tế sẽ giúp du khách thêm yêu mến loại rượu truyền thống của Nhật Bản, đồng thời mở ra một sản phẩm mới cho du lịch Nhật Bản nói chung và nghành công nghiệp sản xuất rượu sake của Nhật Bản nói riêng. Công ty Hakutsuru dự kiến sẽ mở thêm nhiều hoạt động như vậy cho du khách nước ngoài.

Theo thống kê của cơ quan thuế Nhật Bản, sản lượng tiêu thụ rượu sake trong nước năm 2016 đã giảm xuống còn 537 triệu lít – chỉ bằng 1/3 so với 40 năm trước. Mặc dù năm 2017 là năm thứ 8 liên tiếp sản lượng xuất khẩu rượu sake tăng, với khoảng 23,5 triệu lít trị giá 168 triệu USD, nhưng con số này cũng chỉ chiếm vỏn vẹn 4% tổng sản lượng tiêu thụ. Vì vậy, đất nước Đông Á đang nỗ lực thúc đẩy những thương hiệu rượu sake nổi tiếng của nước này trên thị trường toàn cầu.

Nhật Bản đang thúc đẩy quảng bá rượu sake trong bối cảnh sản lượng tiêu thụ nội địa hằng năm đang trên đà giảm rõ rệt.

Sáu tháng đầu năm 2018, Nhật Bản đã đón 16 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Chính vì vậy, Công ty Hakutsuru cũng như các nhà sản xuất rượu sake Nhật Bản đang nhìn thấy “mỏ vàng” du lịch này; cho rằng, những du khách nước ngoài đến Nhật Bản cũng chính là những “đại sứ” cho rượu sake của nước này.

Giám đốc chi nhánh Tokyo của Công ty lữ hành Inside Japan Tours, ông Tyler Palma cho biết, trong các chuyến đi thăm nhà máy sản xuất rượu sake hay có thể chỉ là tại quán rượu, khách du lịch quốc tế thường thích thưởng thức rượu sake ở nhiều nhiệt độ khác nhau và kèm với các món truyền thống Nhật Bản. Vì vậy, ông khuyến khích các nhà sản xuất rượu sake thường xuyên cập nhật ảnh và thông tin liên hệ lên Google Map để giúp du khách dễ dàng chọn những sản phẩm ưng ý nhất.   

Bên cạnh khuyến khích đưa các hoạt động trên vào du lịch, Chính phủ Nhật Bản cũng áp dụng mức thuế ưu đãi cho sản phẩm rượu sake. Theo đó, mỗi chai rượu sake 720ml được bán ở các cửa hàng miễn thuế sẽ được giảm 86,4 Yên (0,8 USD) thuế rượu và 8% thuế tiêu thụ.

Ứng dụng Sakelogy hỗ trợ đắc lực cho du khách muốn tìm hiểu và thưởng thức các loại rượu sake.

Ngoài ra, một công ty khởi nghiệp đã tham gia vào việc quảng bá rượu sake đối với du khách nước ngoài khi đến Nhật Bản. Ứng dụng “hoa tiêu rượu sake” bằng tiếng Anh có tên là Sakelogy của Công ty Nanatsuboshi có trụ sở ở Osaka chính là một công cụ hữu ích. Sakelogy sẽ giới thiệu cho du khách hàng trăm nhà hàng tại Nhật Bản với khoảng 6,000 thương hiệu rượu sake cùng các chi tiết như: tên rượu, công ty sản xuất, giá cả, nên uống lạnh hay ấm, hương vị... đồng thời gợi ý những món ăn phù hợp nhất với mỗi loại rượu. Điều này sẽ hỗ trợ cho khách hàng cũng như nhân viên nhà hàng bởi không phải ai cũng có thể yêu cầu, giải thích các loại rượu sake bằng tiếng Anh.

VĂN HIẾU (theo Nikkei)