Theo CNN, tòa nhà gỗ cao nhất thế giới này được khai trương năm 2019 với cấu trúc 18 tầng gồm các căn hộ, văn phòng và khách sạn có tên Wood. Mjostarnet không chỉ giúp cả thế giới biết tới thị trấn nhỏ có tên Brumunddal mà còn là bằng chứng cho thấy gỗ có thể là lựa chọn thay thế bền vững cho bê tông và thép trong xây dựng.

Ông Oysstein Elgsaas, thành viên công ty kiến trúc Voll Arkitekter xây tòa nhà lập kỷ lục trên cho biết, để thu hút sự chú ý thì tòa nhà cần phải cao và khi nó trở thành tòa nhà cao nhất thế giới làm bằng gỗ thì mọi người sẽ đều quan tâm. Quan trọng nhất, tòa nhà đã chứng minh xây dựng nhà chọc trời bằng gỗ là hoàn toàn có thể và điều này sẽ truyền cảm hứng cho những người khác làm điều tương tự.

 Tòa nhà chọc trời Mjostarnet. Ảnh: CNN. 

Vật liệu chính tạo nên tòa nhà phá kỷ lục thế giới là một loại gỗ công nghiệp có tên gỗ ép tấm lớn (CLT). Những người ủng hộ vật liệu gỗ cho rằng so với các lựa chọn hiện nay, các tòa tháp dùng gỗ sẽ được xây nhanh hơn, bền hơn và điều đáng ngạc nhiên là an toàn hơn khi có hỏa hoạn. Tuy nhiên, có lẽ đặc điểm thân thiện môi trường mới chính là điều khiến gỗ trở thành vật liệu làm nhà ngày càng phổ biến trong những năm gần đây. Việc xây dựng và vận hành các tòa nhà thông thường bằng bê tông cốt thép chiếm 40% mức tiêu thụ năng lượng của thế giới và thải ra khoảng 1/3 lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Trong khi bê tông thải ra một lượng lớn carbon thì cây cối lại hấp thụ. Nếu những cây đó được chuyển thành gỗ khối, carbon đó sẽ bị "khóa" hoặc bị cô lập, thay vì quay trở lại bầu khí quyển khi cây chết. Các nghiên cứu cho thấy rằng 1m3 gỗ có thể lưu trữ hơn 1 tấn carbon dioxide (CO2).

Các nhà xây dựng khu căn hộ bằng gỗ có tên là Ascent cao 72m ở Milwaukee, Wisconsin (Mỹ), vào tháng 6 tới đây cũng cho rằng khi cây không thể hấp thu thêm CO2 và phát triển lớn hơn nữa thì đó là lúc phù hợp để dùng cây làm vật liệu xây dựng. Nếu tòa nhà tồn tại lâu thì nó có thể “khóa” carbon trong hàng thế hệ, kéo dài vòng đời của cây trước khi nó phân hủy thêm 100 đến 200 năm.

Gỗ CLT đã được dùng để xây nhà thấp tầng ở châu Âu từ năm 1990 và từ lâu người ta đã biết lợi ích về môi trường khi xây nhà bằng gỗ khối. Tuy nhiên, cuộc cách mạng về vật liệu xây dựng thân thiện môi trường này đã không thể xảy ra trước đây vì vấp phải rào cản chi phí cao. Vài năm gần đây, gỗ ép ngày càng trở nên phổ biến. Giá gỗ CLT đã giảm và giờ ngang với giá vật liệu xây dựng truyền thống. Vì vậy, chi phí xây tòa Mjostarnet bằng gỗ cũng tương đương với chi phí xây bằng bê tông và thép.

NGỌC HÂN