QĐND - Thời gian gần đây, Trung Quốc đã cách chức một loạt quan chức ở các cấp khác nhau từ trung ương tới địa phương vì dính líu tham nhũng trong chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”, trong đó báo chí góp phần không nhỏ đưa nhiều vụ việc ra ánh sáng. Nhà báo Luo Changping đã trở thành một trong những nhà báo được kính trọng nhất ở Trung Quốc vì thành tích vạch mặt hơn 100 quan chức cấp cao trong chính quyền phạm tội tham nhũng...

Nhắc tới nhà báo Luo Changping không thể không nhắc tới vụ phanh phui một loạt sai phạm của Lưu Thiết Nam, cựu Giám đốc Tập đoàn Năng lượng quốc gia, cựu Phó chủ tịch Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia. Tháng 12-2012, tờ Caijing, nơi nhà báo Luo Changping khi đó làm Phó tổng biên tập, đăng tải bài báo đầu tiên cáo buộc vợ và con trai của một quan chức cấp cao Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia kinh doanh bất hợp pháp. Trong bài báo này, nhà báo Luo Changping không nêu đích danh tên quan tham Lưu Thiết Nam, nhưng trên trang mạng xã hội Weibo, anh đã cáo buộc thẳng Lưu Thiết Nam dối trá bằng cấp và con trai của quan chức này sử dụng tài khoản ngân hàng để nhận tiền hối lộ bằng đô-la Mỹ và Ca-na-đa từ một chủ doanh nghiệp. Hai cha con Lưu Thiết Nam đã bị phát hiện nhận số tiền đút lót lên tới 36 triệu nhân dân tệ (tương đương 5,8 triệu USD) để phê chuẩn các dự án. Trong đó Lưu Thiết Nam thừa nhận đã nhận khoản tiền hối lộ dưới 19 triệu nhân dân tệ.

Từ những phát hiện đầu tiên của nhà báo Luo Changping, các giới chức điều tra bắt đầu “sờ gáy” quan tham Lưu Thiết Nam vào tháng 5-2013 và sau đó, báo chí trong nước mới bắt đầu đưa tin về cuộc điều tra này. Báo chí Trung Quốc phát hiện ra nhiều sai phạm động trời của quan chức này như dọa giết người tình Nhật Bản vì đã đưa tin cho báo chí... Kết quả là Lưu Thiết Nam bị khai trừ Đảng, bị bãi chức, tịch thu toàn bộ tài sản và lĩnh án tù chung thân.

Nhà báo Luo Changping. Ảnh: Transparency.org

Nhà báo Luo Changping trở nên nổi tiếng sau vụ này vì tính tới thời điểm đó, Lưu Thiết Nam là quan chức cao cấp nhất của Trung Quốc mất chức vì bị báo chí phanh phui. Sau đó, một loạt quan chức cỡ bự khác phải ra trước vành móng ngựa vì nhận hối lộ, trong đó có cựu Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang.

Để hoàn thành bài điều tra về quan tham Lưu Thiết Nam, Luo Changping đã phải miệt mài thu thập bằng chứng, thông tin trong một năm trời, có lúc tưởng như kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần. Luo Changping gần như “đơn độc” trong cuộc chiến đầu tiên này với quan tham vì như anh chia sẻ “lúc đầu việc này rất khó khăn vì không có nhiều cơ quan truyền thông muốn dính dáng đến vụ việc”. Nhưng anh chấp nhận nguy hiểm để dấn thân theo đến cùng vụ việc, vượt qua sự sợ hãi bị đe dọa tính mạng. Nhà báo Lou Changping khi đó từng bị Lưu Thiết Nam điều tra lý lịch cả gia đình, đe dọa sự an toàn của người thân. Khi cuộc điều tra của Lou Changping diễn ra công khai, Lưu Thiết Nam đã phủ nhận các cáo buộc và đe dọa kiện nhà báo này vì tội bôi nhọ danh dự.

Tuy nhiên, nhà báo uy tín Luo Changping vẫn khiêm tốn nói rằng, trong vụ án này mình đã gặp may vì vụ việc được lan truyền trên phương tiện truyền thông xã hội nên có hiệu ứng lan tỏa.

Khi viết bài điều tra nổi tiếng trên, Luo Changping mới 32 tuổi. Trong vòng 10 năm, nhà  báo Luo Changping đã khẳng định được tên tuổi với các bài viết ở thể loại phóng sự điều tra chống tham nhũng. Khi mới chân ướt chân ráo vào nghề, nhà báo Luo Changping đã tập trung theo ngay mảng đề tài chống tham nhũng với mong muốn sẽ tạo nguồn cảm hứng cho nhiều nhà báo khác cùng tham gia.

Lòng nhiệt tình của Luo Changping đã được đền đáp khi sau thành công đầu tiên nói trên, đã có thêm nhiều nhà báo Trung Quốc mạnh dạn viết các bài điều tra tham nhũng và lôi được nhiều quan tham ra ánh sáng. Trong số đó phải kể tới vụ phóng viên Wang Wenzhi của tờ Thông tin kinh tế hàng ngày (thuộc Tân Hoa xã) cùng một số nhà báo khác đã cung cấp những thông tin đầu tiên về việc Chủ tịch Tập đoàn Resources Holdings sở hữu nhà nước-ông Song Lin đã giao dịch tài chính trái pháp luật. Một công ty con của tập đoàn này bị báo chí cáo buộc có hành vi cố tình trả giá cao quá mức cho một số mỏ than. Sau đó, vào tháng 4-2014, ông chủ tập đoàn này đã chính thức bị điều tra vì “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật”, cụm từ thường được Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc sử dụng để chỉ hành vi tham nhũng. Sau khi Song Lin “ngã ngựa”, một loạt chủ tập đoàn khác có dính líu cũng bị điều tra xét xử theo pháp luật.

Ghi nhận những cống hiến của nhà báo dũng cảm trong cuộc chiến chống tham nhũng, Tổ chức minh bạch thế giới đã trao tặng Luo Changping giải thưởng Liêm chính vì sự nghiệp chống tham nhũng. Đại diện của tổ chức này cho rằng: “Sự thành công của Luo Changping là một chiến thắng hiếm hoi trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Trung Quốc. Hành động của anh đã chứng minh vai trò quan trọng của báo chí và phương tiện truyền thông xã hội đối với việc điều tra chống tham nhũng”.

MAI NGUYÊN