Trận lũ lụt trong mùa hè này đã tàn phá các cơ sở hạ tầng, cầu đường, mùa màng, gây ảnh hưởng tới 33 triệu người trong tổng dân số 220 triệu người tại Pakistan. Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif nhận định đây là trận lũ lụt nghiêm trọng nhất trong lịch sử nước này, đồng thời ước tính thiệt hại do lũ lụt lên tới hơn 10 tỷ USD.

Theo thông báo ngày 7-9 của các nhà chức trách Pakistan, đã có 1.343 người thiệt mạng trong trận lũ lụt chưa từng có làm hơn 1/3 quốc gia Nam Á bị ngập lụt, khiến hàng trăm nghìn người mất nhà cửa.

Với tình trạng nước ngập khắp mọi nơi, các bệnh truyền nhiễm xuất hiện tràn lan. Hiện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tiếp nhận các báo cáo về việc số ca mắc tiêu chảy cấp tính, thương hàn, sởi và sốt rét ngày càng gia tăng, đặc biệt ở những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do lũ. Nguyên nhân là do nhiều người dân Pakistan vẫn đang phải sống trong tình trạng tạm bợ, không có điện và nước sạch. Các nhà chức trách lo ngại rằng sự lây lan của các bệnh này sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho hệ thống y tế Pakistan vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì lũ lụt.

 Người dân di chuyển đồ đạc ra khỏi khu vực ngập lụt ở tỉnh Sindh, Pakistan. Ảnh: AP

Theo WHO, hơn 1.460 trung tâm y tế đã bị phá hủy, trong đó có 432 trung tâm bị nhấn chìm hoàn toàn trong nước lũ, phần lớn ở tỉnh Sindh, Đông Nam nước này. Không chỉ gây thiệt hại về người, tài sản và nguy cơ dịch bệnh, lũ lụt còn đe dọa đến an ninh lương thực quốc gia của Pakistan. Ước tính, 65% nông sản như gạo, lúa mì, bông đã bị nước cuốn trôi.

Tỉnh Sindh, nơi cung cấp 1/4 sản lượng lương thực cho cả nước, là một trong hai tỉnh hứng chịu thiệt hại nặng nề do lũ lụt. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo hiện có khoảng 3 triệu trẻ em tại Pakistan đang cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp do nguy cơ gia tăng các bệnh lây truyền qua đường nước, đuối nước và suy dinh dưỡng.

Tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) được cho là nguyên nhân chính gây ra trận lũ lụt ở Pakistan. Nước này xếp thứ 8 trong danh sách Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu do tổ chức phi chính phủ về môi trường Germanwatch (Đức) lập ra. Kể từ năm 2010, Pakistan thường xuyên phải hứng chịu lũ lụt cũng như các đợt nắng nóng và cháy rừng.

Theo The Guardian, Tiến sĩ Fahad Saeed, nhà khoa học thuộc tổ chức Phân tích khí hậu ở thủ đô Islamabad của Pakistan, cho biết: “Chúng tôi đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của tình trạng BĐKH”. Cùng với BĐKH, các yếu tố khác như địa hình đồi núi, tình trạng hư hỏng của hệ thống đê điều tại Pakistan cùng với việc người dân nước này chưa được chuẩn bị để đối phó với những thảm họa thiên nhiên trên quy mô lớn đã làm cho trận lũ lụt trở nên phức tạp hơn.

Lũ lụt nghiêm trọng xảy ra vào thời điểm nền kinh tế Pakistan gặp nhiều khó khăn. Trước đó, nước này đã phải chật vật chống lạm phát cao do giá lương thực toàn cầu tăng mạnh và khủng hoảng cán cân thanh toán. Giờ đây, khó khăn chồng chất khó khăn.

Khi hàng triệu héc-ta đất nông nghiệp vẫn đang chìm trong nước lũ và nhiều con đường không thể tiếp cận được, giá thực phẩm ở Pakistan tăng vọt, làm các hộ gia đình thêm lao đao. Ngoài ra, trong bối cảnh lương thực thiếu thốn, Pakistan còn phải tìm cách ứng phó với giá năng lượng tăng cao khi mùa đông lạnh giá đang đến gần. 

Chính phủ Pakistan đã ban bố tình trạng khẩn cấp do mưa lũ và kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế. Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi quyên góp khẩn cấp 160 triệu USD giúp những người chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của các trận lũ lụt đang tàn phá nước này. Khoản quyên góp này sẽ được dùng vào việc hỗ trợ lương thực, nước sạch, hệ thống vệ sinh, giáo dục khẩn cấp, hỗ trợ y tế, giúp ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ nhỏ và các bà mẹ.

Một số nước cũng đã gửi các chuyến hàng viện trợ cho Pakistan. Tuy nhiên, Pakistan cần nhiều nguồn tài trợ hơn nữa để vượt qua những khó khăn hiện nay. Bà Teresa Anderson, điều phối viên chính sách khí hậu tại tổ chức quốc tế chống đói nghèo ActionAid nhận định: “Chi phí để phục hồi với một quốc gia thiếu tiền mặt như Pakistan là rất lớn”. Nếu không có giải pháp ứng phó hiệu quả và sự hỗ trợ kịp thời từ cộng đồng quốc tế, quốc gia Nam Á này sẽ rơi vào thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất kể từ trước đến nay.

LÂM ANH