Một đội quân của IS ở Libya

Quan chức trên cho hay, đạo quân mới của IS gồm ít nhất 3 lữ đoàn, dưới sự lãnh đạo của chỉ huy người Libya là Al-Mahdi Salem Dangou, hay còn gọi là Abu Barakat. Nhóm quân mới này còn có các tay súng đến từ Sudan, Ai Cập, Tunisia, Algeria và hàng trăm chiến binh thánh chiến đã chạy trốn khỏi Sirte trước hoặc trong suốt 7 tháng diễn ra chiến dịch truy quét lực lượng này. Như vậy, với việc có một đội quân khá lớn ẩn nấp và xuất phát từ sa mạc để tấn công các mục tiêu, các tay súng IS đã trở nên mạnh hơn, manh động hơn. Thời gian gần đây, chúng đã lập một số điểm kiểm soát trên các con đường kết nối với khu vực miền Nam và Đông Sirte cũng như tuyên bố thực hiện các vụ tấn công đẫm máu nhằm vào lực lượng địa phương.

leftcenterrightdel
Máy bay Mỹ lắp đặt vũ khí cho không quân để tấn công lực lượng IS tại Libya. Ảnh: Stars and Stripes   
Cũng trong ngày 28-9, Bộ chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Phi (AFRICOM) cho biết, IS và al-Qaeda "đã lợi dụng những khu vực không có sự kiểm soát của chính phủ ở Libya để lập các nơi trú ẩn nhằm âm mưu kích động và chỉ đạo tiến hành các vụ tấn công khủng bố". Nhiều nguồn tin tình báo nhận định, việc IS tuyên bố lấy sa mạc Libya làm bàn đạp mới để xây dựng lực lượng và sự xuất hiện trở lại của thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi trong một đoạn ghi âm có độ dài 46 phút vừa được phát đã cho thấy còn lâu nước này mới thoát khỏi cảnh hỗn loạn, còn lâu IS mới thực sự bị tiêu diệt. Rõ ràng, Libya chưa thể ăn mừng sau chiến thắng tại Sirte. Các diễn biến mới đã phản ánh rõ bất ổn vốn đang bao trùm Libya.

Lý do nào khiến IS “nhòm ngó” Libya? Báo Ha'aretz cho rằng, các nguồn dầu mỏ, vị trí địa lý gần châu Âu và tình trạng vô chính phủ do các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ khiến Libya trở thành mục tiêu lý tưởng cho IS. Khi IS càng gặp nhiều khó khăn tại các cơ sở ở Syria và Iraq thì chúng càng mở rộng những mối liên hệ với các nhóm chiến binh liên kết tại Libya. IS kỳ vọng rằng bằng cách khai thác các giếng dầu tại Libya, tổ chức này có thể có nguồn thu nhập mới để thay thế các nguồn thu bị mất ở Syria và Iraq. Như vậy đã rõ, nguồn dầu mỏ dồi dào của Libya càng khiến cảnh hỗn loạn tại đây không thể sớm chấm dứt. Bởi, không chỉ IS, các thế lực bên ngoài cũng không muốn “buông tha” nguồn dầu mỏ của đất nước này.

Trên thực tế, Libya vẫn thiếu một chính quyền tổng thể đủ sức chèo lái đất nước. Nhà phân tích Tarek Megerisi, người Libya, cho rằng điều này khiến tinh thần yêu nước được củng cố nhờ những chiến thắng như tại Sirte có thể sẽ nhanh chóng phai nhạt. Và rõ ràng, IS từng thất bại tại Sirte nhưng không rút lui hoàn toàn khỏi Libya. Claudia Gazzini, chuyên gia phân tích về Lybia của Nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế, nhận định: “Việc các lực lượng chính phủ chiếm lại được thành phố Sirte chắc chắn là một đòn giáng mạnh vào các nhánh liên kết của IS tại Libya, bởi chúng sẽ không còn một thành trì nào trên lãnh thổ của quốc gia này nữa”. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng, IS có thể sẽ duy trì các nhánh nhỏ của chúng tại những khu vực khác của Libya.

Hòa bình... vẫn còn xa

Mới đây, theo dàn xếp của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Libya Fayez al-Serraj và tướng Khalifa Haftar, Tư lệnh Quân đội quốc gia Libya (LNA), đã gặp nhau tại Paris để nhất trí về việc tiến hành một cuộc bầu cử vào đầu năm 2018. Sự kiện này đã mở ra một viễn cảnh có thể giúp Libya thoát khỏi sự hỗn loạn bằng một cuộc bầu cử. Đây được coi là một thành công ngoại giao đối với ông Macron và Bộ Ngoại giao Pháp. Song chỉ vài giờ sau sân khấu ngoại giao, ông Haftar đã phơi bày thực trạng chính trị Libya đang rạn nứt sâu sắc khi nói rằng, bất kỳ việc ngừng bắn nào cũng chỉ có giới hạn, ông thực sự chẳng quan tâm tới bầu cử và hội đồng đang chia sẻ quyền lực của Thủ tướng Serraj đang nằm trong tay của những kẻ khủng bố.

Tướng Haftar đã bác bỏ Hội đồng tổng thống được LHQ hậu thuẫn của Thủ tướng Serraj, thậm chí còn cho rằng một số thành viên hội đồng này là thuộc tổ chức khủng bố al-Qaeda. Những nỗ lực đàm phán hòa bình ở Libya trước đây đã không thực hiện được bởi sự chia rẽ bên trong mỗi phe. 

Rõ ràng, dù các bên đã có những động thái, song lợi ích khác nhau, những mâu thuẫn chồng chất cả trong và ngoài nước khiến tiến trình hòa bình thực sự cho Libya vẫn còn rất xa./.

NGUYỄN HÒA