Với tỷ lệ sít sao 17-16, dự luật đã được thông qua tại Ủy ban Ngân sách Hạ viện. Đây được đánh giá là chiến thắng lớn đối với Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson sau khi dự luật này đã không thể vượt qua cuộc bỏ phiếu tương tự ngày 16-5 vừa qua, do sự phản đối của một số nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa.

Theo Reuters, dự luật cải cách thuế của chính quyền Tổng thống Donald Trump có trọng tâm là gia hạn và mở rộng Đạo luật về Việc làm và Cắt giảm thuế (TCJA) năm 2017, vốn là thành tựu lập pháp nổi bật của ông Donald Trump trong nhiệm kỳ đầu. TCJA dự kiến sẽ hết hiệu lực vào năm 2025. Chính quyền Tổng thống Donald Trump muốn gia hạn vĩnh viễn các khoản cắt giảm thuế trong TCJA, nhưng theo tính toán của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), điều này sẽ tiêu tốn khoảng 4,6 nghìn tỷ USD trong vòng 10 năm tới.

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Manhattan, New York, Mỹ. Ảnh: Reuters 

Ngoài ra, chính quyền Mỹ cũng muốn mở rộng các khoản cắt giảm thuế, ví dụ như xóa bỏ thuế đối với tiền tip và tiền làm thêm giờ-hai cam kết trong chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump, đồng thời tăng chi tiêu quốc phòng và cấp thêm ngân sách cho các biện pháp siết chặt kiểm soát biên giới.

Để có tiền bù vào những khoản này, chính quyền Tổng thống Donald Trump đề xuất cắt giảm mạnh ngân sách dành cho các chương trình an sinh xã hội như Medicaid (chương trình bảo hiểm y tế dành cho người thu nhập thấp), Medicare (chương trình bảo hiểm y tế liên bang dành cho người cao tuổi và một số nhóm đối tượng đặc biệt) và Chương trình Hỗ trợ dinh dưỡng bổ sung (SNAP).

Theo The New York Times, “miếng bánh” giảm thuế luôn hấp dẫn với người Mỹ và chiến lược này đã được ông Donald Trump áp dụng thành công trong nhiệm kỳ đầu tiên. Tuy nhiên, ở nhiệm kỳ này, đề xuất cắt giảm thuế của ông lại vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Những người ủng hộ ca ngợi dự luật mang lại lợi ích cho tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ tầng lớp trung lưu, trong khi số khác phản đối vì cho rằng những cải cách thuế có thể làm nợ công ngày càng phình to và tước đi cơ hội nhận hỗ trợ y tế, thực phẩm của hàng triệu người dân Mỹ.

Nếu được thông qua, dự luật cắt giảm thuế sẽ khiến khoảng 8,6 triệu người mất quyền tiếp cận Medicaid. Chính vì thế, một số thành viên Đảng Cộng hòa không đồng tình, họ cho rằng điều này sẽ tác động tiêu cực đến lá phiếu của cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2026, khi quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội sẽ được quyết định lại.

Ngoài ra, theo các chuyên gia phân tích, dự luật có thể làm nợ công của Mỹ tăng thêm từ 3 nghìn tỷ đến 5 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới. Hiện tại, nợ công của Mỹ đã đạt mức 36.200 tỷ USD và được dự báo sẽ lên tới 134% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2035. Đây là lý do khiến Moody’s-cơ quan xếp hạng tín dụng cuối cùng còn giữ mức tín nhiệm cao với Mỹ-hạ bậc xếp hạng của nước này vào ngày 16-5.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình ngày 18-5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã bác bỏ tầm quan trọng của việc bị hạ tín nhiệm nói trên, cho rằng dự luật sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đủ mạnh để vượt qua gánh nặng nợ. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cảnh báo việc Moody’s hạ tín nhiệm của Mỹ là dấu hiệu rõ ràng cho thấy quốc gia này đang nợ quá nhiều và cần có hành động điều chỉnh, hoặc tăng thu, hoặc giảm chi tiêu.

Quyết định hạ tín nhiệm của Moody’s diễn ra giữa lúc nền kinh tế Mỹ vẫn bất ổn vì các chính sách thuế quan của ông Donald Trump, vốn đã tác động mạnh đến thị trường toàn cầu. Trong khi đó, các dự báo đều cho thấy thâm hụt ngân sách và nợ công của Mỹ sẽ tiếp tục tăng trong ít nhất 10 năm tới. Với tình hình này, kế hoạch cắt giảm thuế sâu rộng của Tổng thống Donald Trump có thể sẽ khiến Mỹ đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ công nghiêm trọng. Nhà kinh tế học người Ấn Độ Raghuram Rajan nhận định, chính sách cắt giảm thuế mà Washington đang áp dụng có thể giúp tăng thu nhập của tầng lớp lao động trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, chúng sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ vào hố sâu nguy hiểm của nợ công. Trong khi đó, Viện Tài chính quốc tế (IIF) cũng tỏ ra nghi ngờ khả năng các khoản thu từ thuế quan có thể bù đắp cho phần ngân sách thất thu, đồng thời cảnh báo rằng, việc Mỹ áp thêm thuế nhập khẩu có thể phản tác dụng nếu làm giảm nguồn thu và đẩy lạm phát tăng cao.

BẢO CHÂU

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.