Một nghiên cứu khoa học công bố mới đây khẳng định, nhiệt độ nóng lên 2 độ C không còn là mức an toàn cho Trái Đất. Hiện tại, môi trường sống đang phải chịu những ảnh hưởng xấu. Chúng ta có thể nhìn thấy qua sự di dân hàng loạt do nước biển dâng, sự sụt giảm thu nhập bình quân đầu người, thiếu lương thực thực phẩm và nước ngọt, sự biến mất của các loài động vật và thực vật với tốc độ nhanh… Các nước nghèo và các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ-Latinh sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Như đã ký kết trong Hiệp định Paris năm 2015, 197 quốc gia thống nhất cùng nhau ngăn chặn sự nóng lên của Trái Đất ở mức thấp hơn 2 độ C so với mức trung bình của thế kỷ 19 và cố gắng chỉ để nhiệt độ tăng 1,5 độ C.

Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Antonio Guterres khẳng định biến đổi khí hậu là mối đe dọa mang tính hệ thống nhất đối với toàn nhân loại.

Thời gian để thích ứng

Theo thống kê, mới chỉ 1 độ C tăng thêm, Trái Đất đã phải hứng chịu ​​một loạt các đợt hạn hán, sóng nhiệt và cường độ bão lớn khi mực nước biển dâng lên.

Các quốc gia tự nguyện cam kết thực hiện theo Hiệp ước Paris để cắt giảm khí thải CO2 vào môi trường. Đồng thời, Hiệp ước cũng yêu cầu cho tới cuối thế kỷ này, nhân loại sẽ ngừng việc thải quá nhiều khí nhà kính vào khí quyển, để tránh việc lượng khí thải nhiều hơn mức độ đại dương và rừng có thể hấp thụ.

“Tốc độ Trái Đất tăng thêm 2 độ C thực sự rất quan trọng. Nếu tốc độ này quá nhanh, chỉ xảy ra trong vài thập kỷ, con người sẽ không có đủ thời gian để thích ứng với khí hậu", ông Mitchell chia sẻ.

Ảnh minh họa. Nguồn: phys.org

Tăng trưởng kinh tế

Nhóm nghiên cứu do nhà kinh tế học Felix Pretis tại Đại học Oxford (Vương quốc Anh) đứng đầu dự báo rằng Trái Đất nóng lên 2 độ C sẽ làm giảm Tổng sản phẩm quốc nội GDP trên đầu người. Cụ thể, tới năm 2100, GDP trung bình trên toàn thế giới sẽ giảm 13%.

Trái Đất nóng lên cũng sẽ tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Cũng theo nghiên cứu của các nhà khoa học, dự báo tăng trưởng kinh tế khi Trái Đất nóng lên 1,5 độ C gần như không có nhiều khác biệt so với điều kiện hiện tại.

Nước biển dâng cao

Mực nước đại dương tăng khoảng nửa mét trong thế kỷ 21, nhưng lại tăng trên một mét vào năm 2300.

Giáo sư Rober Nicholls của Đại học Southampton cho biết, khi Trái Đất nóng lên, cần có hàng trăm thậm chí hàng nghìn đại dương thì mới có thể “làm dịu” cơn nóng đó. Đây là một tin buồn đối với 500 triệu người sống ở đồng bằng châu thổ thấp cùng với khoảng 400 triệu người ở các thành phố ven biển, bởi nhiều nơi bị nước biển “đe doạ” nhấn chìm trong tương lai.

Theo cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), các hòn đảo tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương được cho là đang đứng trước nguy cơ cao nhất. Các đảo quốc như Maldives và Tuvalu sẽ không thể ở được vào năm 2050, hay Kiribati bị dự báo sẽ chìm dưới mực nước biển vào năm 2100.

Nếu dự đoán này nếu trở thành hiện thực, các thành phố nằm ở vùng thấp của châu Âu như Venice, Amsterdam hay Hamburg có thể biến mất khỏi bản đồ thế giới vào cuối thế kỷ này.

Thiếu thốn thực phẩm và nước ngọt

Trái Đất nóng lên 2 độ C sẽ làm cho con người đối mặt với thiếu thốn lương thực, nước uống hơn rất nhiều so với tình hình hiện tại. Nguyên nhân gây ra bởi các trận hạn hán, lũ lụt, sóng nhiệt kéo dài và sự biến đổi khí hậu không lường trước.

Đặc biệt, các nước có nền nông nghiệp phụ thuộc vào lượng mưa sẽ chịu những ảnh hưởng nặng nề nhất. Các vùng nhiệt đới có thể phải hứng chịu sóng nhiệt kéo dài tới 3 tháng gây ảnh hưởng không nhỏ tới sự tăng trưởng của cây trồng lương thực, kéo theo sự sụt giảm của sản lượng lúa mì và ngô. Thay vào đó, gạo và đậu nành sẽ là thực phẩm chủ yếu. Vấn đề này sẽ ảnh hưởng lớn đến phong tục ăn uống trên toàn cầu.

Ông Richard Betts, người đứng đầu tổ chức nghiên cứu về tác động của khí hậu tại Đại học Exeter (Vương quốc anh) nói: “Các quốc gia đứng trước nguy cơ mất an ninh lương thực khi trái đất nóng lên 2 độ C là Oman, Ấn Độ, Bangladesh, Saudi Arabia và Brazil.”

Tăng 1,5 độ C hay 2 độ C

Theo bản dự thảo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), việc giữ cho nhiệt độ của Trái Đất chỉ tăng 1,5 độ C vào cuối thế kỷ 21 là rất khó. Với mức độ hiện tại, lượng khí nhà kính xả thải ra môi trường sẽ vượt ra ngoài phạm vi cho phép trong vòng 10 đến 15 năm tới.

Cũng theo nghiên cứu khoa học này, con người vẫn có thể giữ nhiệt độ tăng dưới 2 độ C (khoảng 1,7 độ C hoặc 1,8 độ C). Nhưng muốn làm được điều đó, chúng ta phải chung tay góp sức, bắt đầu hành động ngay từ lúc này.

ĐOÀN NGA (theo AFP)