Gạt đi niềm riêng

Người mẹ ấy là bà Marie Goretti Amurere, 60 tuổi, hiện làm việc tại Làng thanh niên Agahozo Shalom (ASYV) thuộc quận Rwamagana ở Rwanda. ASYV là nơi cung cấp giáo dục, xoa dịu nỗi đau và trao tình thương yêu cho thanh thiếu niên mồ côi và bị tổn thương sau nạn diệt chủng. Với sự pha trộn giữa tiếng Kinyarwanda (ngôn ngữ của Rwanda) và tiếng Do Thái, cái tên “Agahozo Shalom” có nghĩa là "chốn yên bình, nơi những giọt nước mắt được lau khô". ASYV được hình thành dựa theo mô hình làng trẻ em của Israel, một trung tâm được thành lập sau Chiến tranh thế giới thứ hai dành cho những đứa trẻ bị mồ côi cha mẹ trong nạn diệt chủng Holocaust. Mở cửa từ năm 2008, ASYV được xây dựng trên diện tích 144 mẫu, chào đón những đứa trẻ mồ côi đến từ các khu vực nghèo và dễ bị tổn thương nhất tại Rwanda. Hơn 520 trẻ mồ côi, trẻ chậm phát triển được nuôi dưỡng và dạy dỗ tại đây. Với cách tổ chức theo hình thức gia đình, mỗi nhóm gồm 16-24 em sống cùng nhau như anh chị em ruột trong một ngôi nhà do một bà mẹ quản lý.

Theo CNN, hầu hết các bà mẹ ở ASYV đều là những người vợ bị mất chồng, người mẹ mất con trong nạn diệt chủng. Chồng và 3 trong số 5 người con của bà Marie Goretti Amurere-một trong 28 bà mẹ sống và làm việc tại ASYV là nạn nhân trong thảm họa diệt chủng kéo dài 100 ngày vào năm 1994 ở Rwanda, khiến 800.000 người thiệt mạng. Khi nạn diệt chủng chấm dứt, bà cảm thấy không còn niềm tin vào cuộc sống. Nhưng 20 năm trôi qua, với hàng chục đứa trẻ gọi bà là mẹ tại ASYV, người phụ nữ ấy nói rằng bà đã có lý do để tiếp tục sống. "Tôi cảm thấy thật vinh dự khi được nghe những đứa trẻ ở đây gọi là mẹ".

Một trẻ mồ côi ôm chầm lấy mẹ Marie Goretti Amurere sau giờ học. Ảnh: CNN.

Hành trình trở thành mẹ của trẻ mồ côi

Sau khi nạn diệt chủng ở Rwanda kết thúc vào tháng 7-1994, bà Marie Goretti Amurere quyết định nuôi dưỡng trẻ mồ côi tại chính căn nhà của mình. Ngoài hai đứa con đẻ may mắn sống sót sau thảm họa diệt chủng, Marie Goretti Amurere còn nuôi thêm 25 đứa trẻ mồ côi cho đến năm 2010. Bà chia sẻ: "Món quà mà tôi có thể tặng cho những người thân đã mất là nuôi dạy những đứa trẻ khác, bất kỳ đứa trẻ nào đến với tôi". Khi em nhỏ tuổi nhất trong số những đứa trẻ mồ côi này sống tự lập, bà đã tham gia làm việc tại ASYV.

Tại ASYV, các bà mẹ trở thành chỗ dựa về tinh thần cho những đứa trẻ mồ côi. Sau các giờ học tại trường, Marie Goretti Amurere lại cùng các con quây quần tại phòng khách của ngôi nhà ở ASYV trong một tiếng “thời gian gia đình”. Họ kể cho nhau nghe những trải nghiệm trong ngày, cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc rồi cùng nhau hát, nhảy múa và cầu nguyện.

Người phụ nữ 60 tuổi này không coi việc mình đang làm chỉ là một công việc đơn thuần. Bà nói: “Nếu bạn tới đây chỉ để xin việc, bạn sẽ nhanh chóng từ bỏ vì bạn sẽ trải qua rất nhiều khó khăn khi nuôi những đứa trẻ không phải máu mủ của mình, đặc biệt là nhiều em gặp vấn đề về tâm lý và nhận thức”.

Theo báo cáo năm 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB), 51% dân số Rwanda hiện sống trong cảnh nghèo đói. Sau chiến tranh, Rwanda có tới hơn 95.000 trẻ mồ côi. Bà Marie Goretti Amurere nhận xét, các bà mẹ ở ASYV, cũng giống như bà, là những phụ nữ tìm thấy sức mạnh bên trong con người mình sau thảm kịch và có vai trò quan trọng với thế hệ tương lai của Rwanda.

Titui Martine, 17 tuổi, sống tại ASYV, nói rằng Marie Goretti Amurere là "món quà từ Thượng đế". Cô chia sẻ cách bà đã giúp cô vượt qua nỗi đau của chính mình như thế nào. Titui Martine cho biết: “Mẹ đã chỉ cho cháu nên sống cuộc đời mình như thế nào và khuyên cháu không nên đắm chìm trong nỗi đau quá khứ. Quá khứ đã qua và sẽ không quay trở lại”.

Công việc tại ASYV đã giúp Marie Goretti Amurere gác lại nỗi đau mất người thân và định hình lại vai trò của mình như một người mẹ để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Song, trong sâu thẳm, vết thương lòng của Marie Goretti Amurere chưa bao giờ liền da. "Nhìn từ bên ngoài, mọi người nghĩ rằng tôi mạnh mẽ, nhưng đó không phải là sự thật. Nếu nói rằng tôi đã vượt qua nỗi đau mất con thì đó là một lời nói dối. Tuy nhiên, những đứa trẻ ở đây đã khiến tôi tạm quên đi nỗi đau của bản thân. Công việc chăm sóc chúng làm cho tôi thấy hạnh phúc”.

LÂM ANH