Sau Pháp vào năm 2017, Tây Ban Nha vào năm 2018 và Bỉ vào năm 2022, Luật Quyền ngắt kết nối chính thức có hiệu lực ở Australia từ ngày 26-8 vừa qua. Theo đó, nhân viên có thể từ chối theo dõi, đọc hoặc phản hồi các yêu cầu từ người sử dụng lao động ngoài giờ làm việc của họ. Được thông qua vào tháng 2 năm nay, luật này sẽ áp dụng ngay đối với các công ty vừa và lớn. Các công ty có dưới 15 nhân viên sẽ áp dụng luật trên từ ngày 26-8-2025.
|
|
Người lao động Australia từ nay có quyền ngắt kết nối với người sử dụng lao động ngoài giờ làm việc (ảnh minh họa). Ảnh: iStock
|
Michele O'Neil, Chủ tịch Hội đồng Công đoàn Australia nhấn mạnh, ngày 26-8 vừa qua là một ngày lịch sử đối với người lao động. Qua đó, người lao động có thể dành thời gian cho những người thân yêu của mình mà không phải căng thẳng khi liên tục phải trả lời những cuộc gọi và tin nhắn về công việc vào giờ nghỉ hoặc ngày nghỉ.
Bà Anna Booth thuộc Fair Work Ombudsman (FWO), một cơ quan độc lập của Australia chịu trách nhiệm bảo đảm việc tuân thủ luật pháp nhấn mạnh: “Chúng tôi khuyến khích người lao động tìm hiểu kỹ luật về quyền ngắt kết nối và áp dụng, tiếp cận hợp lý để thực hiện quyền này tại nơi làm việc của họ, đồng thời điều chỉnh các mối quan hệ nơi công sở”.
Tuy nhiên, luật trên cũng tạo phản ứng trái chiều từ các công ty, doanh nghiệp. Tập đoàn Công nghiệp Australia cho rằng, việc thông qua và áp dụng Luật Quyền ngắt kết nối là vội vàng, thiếu suy nghĩ và vô cùng khó hiểu. “Người sử dụng lao động và người lao động sẽ không còn biết liệu họ có thể chấp nhận hoặc thực hiện cuộc gọi ngoài giờ làm việc để đề nghị làm thêm giờ hay không”, đại diện của Tập đoàn Công nghiệp Australia băn khoăn.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese khẳng định, Chính phủ muốn bảo đảm quyền lợi cho người lao động bởi họ không được trả lương 24 giờ/ngày, do đó, họ không phải làm việc 24 giờ mỗi ngày. Người đứng đầu Chính phủ Australia cũng nhấn mạnh đây là một vấn đề về sức khỏe tinh thần khi mọi người có thể ngắt kết nối với công việc nhưng có thể kết nối với gia đình cũng như cuộc sống của họ.
PHƯƠNG LINH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.
Reuters ngày 27-8 đưa tin, Australia sắp tới sẽ giới hạn số lượng sinh viên nước ngoài nhập cảnh vào nước này trong năm 2025 là 270.000 người.
Sáng 27-8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Chủ tịch Thượng viện Australia Sue Lines nhân dịp bà thăm chính thức Việt Nam.