AP đưa tin, ngày 22-7, tại cung điện Dolmabahce ở thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov đã ký các thỏa thuận riêng biệt nhưng tương đồng với Liên hợp quốc (LHQ) và Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó Nga và Ukraine sẽ tiếp tục vận chuyển ngũ cốc, phân bón từ Biển Đen sang các thị trường khác vào thời gian tới.  

Theo đó, một nhóm các quan chức LHQ, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine sẽ chịu trách nhiệm giám sát công tác chất hàng lên tàu tại cảng của Ukraine trước khi khởi hành qua những tuyến đường được định sẵn trên Biển Đen. Tàu hàng sau đó đi tới eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự giám sát chặt chẽ của một trung tâm điều phối chung ở Istanbul bao gồm các đại diện từ LHQ, Nga, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng thời, trung tâm này cũng kiểm tra những tàu tới Ukraine nhận ngũ cốc nhằm bảo đảm chúng không chở theo vũ khí, trang bị hoặc binh sĩ. Mặt khác, ngũ cốc và phân bón của Nga cũng sẽ được tiếp cận thị trường toàn cầu mà không bị cản trở. Ngoài ra, Moscow và Kiev cũng đồng ý không tấn công bất cứ tàu hàng hoặc cảng nào tham gia vào thỏa thuận. Theo AP, thỏa thuận có hiệu lực trong 120 ngày và có thể tự động gia hạn.

leftcenterrightdel
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar (từ trái qua phải) tại lễ ký thỏa thuận. Ảnh: AP 

Phát biểu sau khi chứng kiến lễ ký kết, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres mô tả thỏa thuận trên là động thái tích cực chưa từng có giữa Moscow và Kiev kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Theo người đứng đầu LHQ, hai bên đã vượt qua những trở ngại và khác biệt để đi tới một sáng kiến phục vụ lợi ích chung của mọi người. “Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là thỏa thuận cho thế giới”, ông Guterres khẳng định. Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán thỏa thuận, bày tỏ hy vọng văn kiện trên sẽ mở đường cho hòa bình cuối cùng ở Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố Nga sẽ không tận dụng việc các cảng này được mở trở lại cho mục đích khác và sẽ thực hiện nghiêm túc thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen. Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho rằng thỏa thuận là một bước đi đúng hướng. Hiện chưa rõ việc nối lại xuất khẩu ngũ cốc bắt đầu khi nào nhưng LHQ hy vọng thỏa thuận sẽ được thực thi đầy đủ trong vài tuần tới và khôi phục lượng ngũ cốc xuất khẩu về mức trước khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine là 5 triệu tấn/tháng.

Nga và Ukraine là hai trong số những nhà sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới. Cùng với những tác động tiêu cực dai dẳng do đại dịch Covid-19, cuộc xung đột tại Ukraine và các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga đang làm gián đoạn nghiêm trọng nguồn cung ngũ cốc, đẩy giá lương thực toàn cầu lên cao chóng mặt và khiến hàng triệu người ở những quốc gia nghèo nhất rơi vào cảnh đói ăn. Đáng nói hơn, tình trạng này trực tiếp đe dọa việc thực hiện mục tiêu toàn cầu nhằm chấm dứt nạn đói vào năm 2030 theo chương trình nghị sự phát triển bền vững của LHQ. Đơn cử, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) ước tính trong vòng 6 tháng qua, giá lương thực đã tăng tới 187% ở Sudan, 86% ở Syria và 60% ở Yemen. Theo chính quyền Kiev, vẫn còn đến 25 triệu tấn lúa mì và ngũ cốc đang mắc kẹt tại các cảng ở Ukraine, trong khi nước này dự kiến sẽ thu hoạch được 60 triệu tấn nữa vào mùa vụ năm nay. Việc giải phóng các kho dự trữ ngũ cốc sẽ giúp khắc phục tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu.

Trong một diễn biến liên quan, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 22-7 đã “bật đèn xanh” cho việc gia hạn quyết định tạm dừng thực hiện những quy định liên quan tới môi trường đối với đất bỏ hoang và luân canh cây trồng vào năm 2023, qua đó tạo điều kiện để các quốc gia thành viên EU tăng cường sản xuất ngũ cốc nhằm đối phó với tác động đến từ cuộc xung đột tại Ukraine. EC nhấn mạnh mỗi tấn ngũ cốc được sản xuất tại EU sẽ góp phần giảm nguy cơ thiếu hụt lương thực và đói kém trên thế giới.

VĂN HIẾU