Đây là thông điệp liên bang đầu tiên của Tổng thống Putin sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24-2-2022. Bởi vậy, thông điệp không chỉ được công chúng Nga mà cả cộng đồng quốc tế quan tâm.

Bài phát biểu kéo dài 1 giờ 45 phút của Tổng thống Putin đã đề cập rõ nét về tình hình hiện tại của nước Nga, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Một nội dung nổi bật trong thông điệp thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế là tuyên bố của Tổng thống Putin về việc Nga tạm dừng tham gia Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) với Mỹ.

leftcenterrightdel

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu thông điệp liên bang tại Trung tâm triển lãm Gostiny Dvor ở Moscow, ngày 21-2. Ảnh: Sputnik 

Tổng thống Nga khẳng định, nước này sẽ không phải là bên đầu tiên nối lại hoạt động thử hạt nhân, song nêu rõ, một khi Mỹ thử vũ khí hạt nhân thì Bộ Quốc phòng Nga và các cơ quan liên quan cũng sẵn sàng cho điều tương tự.

“Không ai có thể ảo tưởng rằng thế cân bằng chiến lược toàn cầu có thể bị phá hủy”, RIA Novosti dẫn lời Tổng thống Putin. Tuyên bố trên đã tái khẳng định phát ngôn của Điện Kremlin trước đó, rằng Mỹ đã "phá hủy khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí" và Nga sẽ không thảo luận về New START với Mỹ chừng nào Washington còn tiếp tục trang bị vũ khí cho Ukraine.

Cũng trong bài phát biểu lần này, Tổng thống Putin công bố các biện pháp hỗ trợ mới cho những người tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Theo đó, một quỹ đặc biệt sẽ được thành lập để hỗ trợ những quân nhân từng tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt và gia đình của những quân nhân đã thiệt mạng. Quỹ này sẽ điều phối việc cung cấp hỗ trợ xã hội, y tế, hỗ trợ tâm lý, giải quyết các vấn đề liên quan đến việc điều trị, phục hồi chức năng, giúp đỡ về giáo dục, việc làm, đào tạo nâng cao tay nghề và một mục tiêu quan trọng là tổ chức chăm sóc dài hạn tại nhà.

Đề cập đến lĩnh vực kinh tế, Tổng thống Putin khẳng định nền kinh tế và hệ thống quản lý của Nga trên thực tế mạnh hơn nhiều so với những gì phương Tây tưởng tượng; chính quyền Nga đã giải quyết được vấn đề việc làm, ngăn chặn tình trạng khan hiếm hàng hóa trên thị trường, đồng thời giúp doanh nghiệp vượt qua áp lực từ các lệnh trừng phạt khốc liệt của Mỹ và phương Tây. Tổng thống Putin cho biết, Moscow có mọi nguồn lực tài chính cần thiết để bảo đảm an ninh và phát triển đất nước, bất chấp những biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây. 

Liên quan đến các chính sách an sinh xã hội, cải thiện y tế và giáo dục, hỗ trợ đời sống người dân, Tổng thống Nga tuyên bố thúc đẩy chương trình hiện đại hóa chăm sóc sức khỏe ban đầu; đẩy nhanh tốc độ xây dựng các khu nhà ở tái định cư và phát triển khu vực nông thôn; đề xuất tăng mức lương tối thiểu thêm 18,5% từ năm 2024; các dự án quốc gia được vay vốn không tính lãi; tăng quy mô khấu trừ thuế cho giáo dục trẻ em...

Thông điệp liên bang 2023 của Tổng thống Putin được phát đi vào thời điểm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng: Trước thềm dấu mốc một năm Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine; Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken công du Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vận động Ankara phê duyệt đơn gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển; chuyến thăm bất ngờ của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Ukraine; Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị công du châu Âu và có chuyến thăm Nga nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình Nga-Ukraine, đúng vào dịp Tổng thống Mỹ thăm Ba Lan để thảo luận về các nỗ lực chung hỗ trợ Ukraine và củng cố sức mạnh đồng minh ở sườn phía Đông của NATO.

Những chuyến công du “chằng chéo” phần nào cho thấy, Mỹ và các đồng minh phương Tây vẫn không ngừng kêu gọi gia tăng các nỗ lực viện trợ quân sự cho Ukraine song song với việc tiếp tục siết chặt các biện pháp trừng phạt Nga. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc đang nỗ lực kêu gọi giải quyết xung đột ở Ukraine một cách hòa bình thông qua đối thoại và tham vấn.

Theo nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc Vương Nghị, vấn đề giữa các quốc gia không nên được giải quyết thông qua việc gây sức ép hoặc các biện pháp trừng phạt đơn phương, bởi điều đó sẽ phản tác dụng. Bắc Kinh đã đề xuất một sáng kiến về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine, trong đó sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước phải được tôn trọng và các nguyên tắc trong Hiến chương Liên hợp quốc phải được duy trì.

HÀ PHƯƠNG