“Điều kiện tiên quyết để hai bên thảo luận về vũ khí hạt nhân phi chiến lược là Mỹ phải rút các đầu đạn loại này khỏi châu Âu và đưa chúng trở về lãnh thổ quốc gia, loại bỏ cơ sở hạ tầng lưu trữ và bảo trì vũ khí, đồng thời chấm dứt các hoạt động chia sẻ hạt nhân của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”, Đại sứ Antonov nêu rõ trong bài phát biểu tại Hội đồng Cố vấn quốc tế thuộc Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt James Martin của Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury ở thành phố Monterey (bang California, Mỹ).

Nhận định thực tế hai nước vẫn tồn tại những bất đồng đáng kể về nhiều vấn đề chủ chốt, nhà ngoại giao Nga dẫn chứng việc Washington vẫn khăng khăng muốn mở rộng chế độ kiểm soát vũ khí hiện nay theo khuôn khổ Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START), bao gồm toàn bộ các loại vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Washington cũng muốn Moscow đồng ý hạn chế vũ khí hạt nhân phi chiến lược và vũ khí chiến lược mới nhất không nằm trong New START. “Chúng tôi không ngại thảo luận về vai trò và vị trí của các hệ thống vũ khí chiến lược khác trong những cơ chế kiểm soát vũ khí trong tương lai”, Đại sứ Nga nhấn mạnh.

Hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-24 Yars của Nga. Ảnh: AP. 

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút nước này khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) vào năm 2019 với cáo buộc Nga vi phạm các điều khoản của hiệp ước, New START trở thành hiệp ước kiểm soát vũ khí duy nhất còn lại giữa Washington và Moscow. Từ đó, New START được coi là nhân tố giúp quản lý căng thẳng Mỹ-Nga trong kiểm soát vũ khí hạt nhân và kiến tạo hy vọng cho mối quan hệ giữa hai bên.

Tháng 2-2021, Nga và Mỹ chính thức gia hạn New START thêm 5 năm. Quyết định này được đánh giá là một bước đi đúng hướng và là sự khởi đầu tích cực để thế giới có thể củng cố lại chế độ kiểm soát vũ khí hạt nhân trong bối cảnh mối quan hệ Nga-Mỹ luôn trong thế trừng phạt và đáp trả lẫn nhau do nhiều bất đồng những năm gần đây. Cùng lúc, Moscow và Washington dự kiến sẽ đàm phán để cắt giảm hơn nữa số lượng vũ khí hạt nhân mà hai nước đang sở hữu, đồng thời đạt được những thỏa thuận mới để có thể giải quyết các thách thức mới nổi trong vấn đề vũ khí hạt nhân.

Nhằm tiếp tục thực hiện lộ trình trên, tại Hội nghị thượng đỉnh ở Geneva (Thụy Sĩ) vào tháng 6 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden nhất trí sẽ duy trì đối thoại về kiểm soát vũ khí và giảm nguy cơ xảy ra xung đột giữa hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới trong tương lai. Mới đây, Tổng thống V.Putin cũng khẳng định Nga sẵn sàng tham gia tiến trình đàm phán mang tính xây dựng về vấn đề kiểm soát vũ khí với Mỹ, đồng thời nhấn mạnh Moscow không sử dụng các loại vũ khí tiên tiến để đe dọa bất cứ quốc gia nào.

Đến nay, hai quốc gia nắm giữ hơn 90% lượng vũ khí hạt nhân trên thế giới đã tổ chức được hai vòng đối thoại ổn định chiến lược ở Geneva, trong đó đạt được đồng thuận thành lập một nhóm làm việc chung có nhiệm vụ chuyên trách là xem xét các biện pháp kiểm soát vũ khí trong tương lai.

VĂN HIẾU