Theo CNN, thông báo nói trên được Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đưa ra chỉ một ngày trước khi Hiệp ước New START hết hạn.

“Gia hạn Hiệp ước New START sẽ giúp nước Mỹ, các đồng minh và đối tác của Mỹ cũng như cả thế giới an toàn hơn. Một cuộc chạy đua hạt nhân không bị giới hạn sẽ khiến tất cả chúng ta đứng trước nguy hiểm. Mỹ cam kết thực hiện hiệu quả việc kiểm soát vũ khí, qua đó tăng cường sự ổn định, tính minh bạch và khả năng dự đoán, đồng thời giảm nguy cơ xảy ra các cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm, tốn kém”, CNN dẫn tuyên bố của ông Blinken.

Hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-24 Yars của Nga trong cuộc duyệt binh ở Moscow vào tháng 6-2020. Ảnh: Daily Sabah 

 

Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh rằng, việc gia hạn Hiệp ước New START sẽ bảo đảm “những hạn chế có thể kiểm chứng được” đối với tên lửa liên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và các máy bay ném bom hạng nặng của Nga đến ngày 5-2-2026. 

Trước đó, ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Biden đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin và hai nhà lãnh đạo này đã nhất trí về việc kéo dài Hiệp ước New START thêm 5 năm. Tiếp đó, ngày 29-1 vừa qua, Tổng thống Putin đã ký luật gia hạn Hiệp ước New START sau khi Quốc hội Nga thông qua quyết định này. Ông Putin cũng nói rằng, đây là “một bước đi đúng hướng” và là diễn biến tích cực trong việc giảm bớt những căng thẳng toàn cầu.

Trước diễn biến đáng chú ý nêu trên, Liên hợp quốc (LHQ) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 4-2 đã hoan nghênh, bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định của Moscow và Washington. Theo ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, việc Nga và Mỹ đồng ý gia hạn hiệp ước này là bước khởi đầu để thế giới có thể củng cố lại chế độ kiểm soát vũ khí hạt nhân. Ông cũng cho biết, LHQ mong muốn trong 5 năm tới Moscow và Washington sẽ đàm phán để cắt giảm hơn nữa số lượng vũ khí hạt nhân mà hai nước đang sở hữu, đồng thời đạt được những thỏa thuận mới để có thể giải quyết những thách thức mới nổi trong vấn đề vũ khí hạt nhân, bảo đảm thế giới có thể sống trong hòa bình.

Tương tự, trong một thông báo, NATO cho biết các quốc gia thành viên của khối này ủng hộ mạnh mẽ đối với việc tiếp tục thực hiện Hiệp ước New START và tin tưởng rằng, hiệp ước này sẽ đóng góp vào sự ổn định quốc tế. Ngoài ra, hai quốc gia đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc cũng hoan nghênh việc gia hạn Hiệp ước New START, đồng thời gọi đây là “bước tiến quan trọng” trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân.

Về phần mình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, việc gia hạn Hiệp ước New START sẽ giúp cho các bên có thời gian và không gian để thảo luận các vấn đề rộng hơn về ổn định chiến lược, kiểm soát vũ khí.

New START là hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ. Hiệp ước này giới hạn kho vũ khí hạt nhân của mỗi nước chỉ ở mức 1.550 đầu đạn hạt nhân, 700 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa và 800 bệ phóng.

ANH VŨ