Nhưng bên cạnh đó, ông cũng đồng thời nhấn mạnh các lợi ích của Nga và an ninh của người dân nước này là vấn đề không thể đàm phán. 

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Thượng viện Nga ngày 22-2 thông qua đề xuất triển khai quân đội ra nước ngoài của Tổng thống Vladimir Putin.

leftcenterrightdel
Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì cuộc họp khẩn với Hội đồng An ninh tại Moscow ngày 21-2.Ảnh: AP 

Trước đó một ngày, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga công nhận chủ quyền của Cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng và Cộng hòa nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng ở miền Đông Ukraine, chỉ thị Bộ Ngoại giao Nga thiết lập quan hệ ngoại giao và Bộ Quốc phòng Nga sử dụng các lực lượng vũ trang Nga để bảo đảm hòa bình trên lãnh thổ của DPR và LPR. Giới phân tích Nga cho rằng đây là quyết định giúp ông Putin giành chiến thắng về mặt ngoại giao, trong khi tránh được hai tình huống xấu: Một cuộc giao tranh quy mô lớn khiến nhiều người đổ máu và việc bị cho là yếu thế trước sức ép của Mỹ cùng phương Tây.

Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc Moscow phải hứng chịu một “cơn mưa” trừng phạt nhằm vào nước này. Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Anh, Australia và Nhật Bản đã đồng loạt tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga vì các hành động của Moscow ở Ukraine. Thậm chí, không ít nhà lãnh đạo phương Tây dự đoán, quyết định của Nga có thể chỉ là bước đi đầu tiên hướng tới một chiến dịch quân sự lớn nhằm hạ bệ chính quyền Kiev. Song, dù dự đoán như vậy, họ vẫn hy vọng có thể sử dụng các biện pháp ngoại giao nhằm ngăn chặn tình huống xấu nhất-một cuộc chiến tranh nổ ra gây thương vong lớn.

Trước những diễn biến căng thẳng liên tục gia tăng tại Ukraine, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cũng bày tỏ cam kết LHQ sẽ không bao giờ từ bỏ việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề này. Phát biểu trước báo giới tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ), Tổng thư ký Antonio Guterres nêu rõ, các bên phải phối hợp và cùng nhau ứng phó với thách thức này nhằm bảo vệ người dân Ukraine. Theo ông, đã đến lúc các bên quay trở lại con đường đối thoại và đàm phán. Ông Guterres cũng bày tỏ quan ngại về những diễn biến mới nhất liên quan đến tình hình Ukraine, đồng thời khẳng định cam kết thực hiện mọi nỗ lực để giải quyết căng thẳng hiện nay bằng biện pháp hòa bình.

Theo giới phân tích, xung đột bùng phát là điều không bên nào mong muốn, thậm chí kể cả những quốc gia từng cố gắng “thổi phồng nguy cơ” về một cuộc chiến tranh tại Ukraine. Riêng với Mỹ, nếu xung đột thực sự bùng phát, Washington có thể bị sa lầy vào các nhiệm vụ hỗ trợ đồng minh tại "Lục địa già" và đó là điều Mỹ muốn tránh. Trong khi đó, châu Âu cũng không muốn chiến tranh bùng phát, một phần vì nhu cầu bảo đảm môi trường ổn định chiến lược, mặt khác vì sự ràng buộc trong quan hệ với Moscow, đặc biệt là về nhiên liệu. Lãnh đạo Nga cũng nhiều lần khẳng định "không muốn chiến tranh".

Mặt khác, việc kéo dài căng thẳng cùng với các biện pháp trừng phạt sẽ để lại hậu quả xấu về lâu dài cho tất cả các bên. Theo Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov, các lệnh trừng phạt Washington áp đặt đối với Moscow sẽ làm tổn hại đến thị trường tài chính và năng lượng toàn cầu. Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng và người dân nước này sẽ cảm nhận hậu quả của việc giá cả tăng cao.

Xuất phát từ những lý do đó, một giải pháp ngoại giao giúp kịp thời tháo gỡ những căng thẳng hiện nay trong vấn đề Ukraine có lẽ là lựa chọn tốt nhất mà tất cả các bên đang tìm kiếm.

HÙNG HÀ