Theo TASS ngày 25-2, Tổng thống Zelensky nhấn mạnh Ukraine “không e ngại đối thoại” với Nga, “không e ngại thảo luận bất cứ vấn đề gì”, trong đó có tình trạng trung lập của Kiev. Trong một bài phát biểu vài giờ sau đó, AFP dẫn lời Tổng thống Zelensky cho rằng Nga “sớm hay muộn” cũng sẽ đối thoại với Ukraine và việc này bắt đầu sớm chừng nào thì “càng có ít tổn thất cho chính Nga”.

Khói bốc lên gần một tòa nhà quân sự ở thủ đô Kiev ngày 24-2. Ảnh: AP 

Tuyên bố của nhà lãnh đạo Ukraine được đưa ra sau khi phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẵn sàng đối thoại với người đồng cấp Ukraine để tháo “ngòi nổ” xung đột, trong đó tập trung vào vấn đề Ukraine phải duy trì tình trạng trung lập và cam kết không cho nước ngoài triển khai vũ khí trên lãnh thổ. Theo ông Peskov, đây là những điều kiện có thể giúp đạt được mục tiêu “phi quân sự hóa và phi phát xít hóa” ở Ukraine, đồng thời loại bỏ các mối đe dọa đối với an ninh của Nga. Nga nhiều lần bày tỏ quan ngại về việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng về phía Đông châu Âu, triển khai các lực lượng gần biên giới nước này, coi đó là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Hồi cuối năm ngoái, Nga từng chuyển cho NATO các đề xuất về bảo đảm an ninh, trong đó đề nghị NATO cam kết “không mở rộng về phía Đông, bao gồm kết nạp Ukraine và các nước khác”. Trong khi đó, ngày 25-2, AFP dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Moscow sẵn sàng đàm phán bất cứ lúc nào “ngay khi các lực lượng vũ trang Ukraine đáp lại lời kêu gọi hạ vũ khí”.

Cùng ngày, Tân Hoa xã dẫn thông tin từ Điện Kremlin cho biết theo đề nghị của Pháp, Tổng thống Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Emmanuel Macron để trao đổi quan điểm “một cách nghiêm túc và thẳng thắn” về tình hình tại Ukraine. Tổng thống Vladimir Putin đã nêu rõ nguyên nhân và hoàn cảnh dẫn đến việc Nga quyết định tiến hành một chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine. Đây là lần liên lạc đầu tiên giữa ông chủ Điện Kremlin và một nhà lãnh đạo phương Tây kể từ sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự nói trên.

Ngày 25-2, phản ứng trước động thái quân sự của Nga tại Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Washington muốn duy trì liên lạc quân sự với Moscow “để tránh những tính toán sai lầm”. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly khẳng định không quốc gia châu Âu nào cũng như Mỹ muốn xảy ra xung đột quân sự trực tiếp với Nga vì “mục đích của chúng tôi là đạt được một thỏa thuận ngừng bắn”. CNN dẫn lời Tổng thống Pháp Macron cũng tuyên bố sẵn sàng làm trung gian giữa Nga và Ukraine để dàn xếp một thỏa thuận ngừng bắn. Theo Tân Hoa xã, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Abdulla Shahid kêu gọi các bên ngừng bắn, xuống thang căng thẳng và trở lại đối thoại, đàm phán ngoại giao, đồng thời nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu trong lúc này là bảo đảm an toàn cho người dân Ukraine cũng như bảo đảm cho họ được tiếp cận các nguồn cứu trợ.

Trong một diễn biến liên quan, đã có thêm một số quốc gia thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Ngày 25-2, Reuters dẫn lời Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt mới “nhằm vào 70% thị trường ngân hàng và các công ty nhà nước chủ chốt của Nga, bao gồm cả lĩnh vực quốc phòng”. Theo Sputnik, trong khi Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Valentina Matviyenko tuyên bố Moscow đã chuẩn bị các biện pháp trừng phạt trả đũa và “biết rõ những điểm yếu của phương Tây”, phát ngôn viên Điện Kremlin Peskov khẳng định Nga sẽ áp dụng “nguyên tắc có qua có lại”.

Các hãng truyền thông quốc tế cho biết ngày 25-2 ghi nhận những tiếng nổ lớn ở Kiev. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tuyên bố Kiev “bị tập kích khủng khiếp bằng rocket”. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga đã lên tiếng phủ nhận.

Việt Nam sẵn sàng các phương án bảo hộ công dân

 Ngày 25-2, trả lời câu hỏi của phóng viên Việt Nam và nước ngoài đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước những diễn biến căng thẳng mới đây tại Ukraine và công tác bảo hộ công dân Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Việt Nam hết sức quan ngại trước tình hình xung đột vũ trang ở Ukraine. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực, bảo vệ người dân, tiếp tục đối thoại tìm kiếm giải pháp hòa bình, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác ở khu vực và trên toàn thế giới. Việt Nam rất quan tâm đến tình hình cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine, yêu cầu bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, doanh nghiệp Việt Nam tại địa bàn. Các cơ quan đại diện Việt Nam tại địa bàn cùng các cơ quan chức năng trong nước đang phối hợp chặt chẽ, sẵn sàng các phương án bảo hộ công dân.

ĐOÀN CA

HOÀNG VŨ