Tuyên bố trên được đưa ra giữa bối cảnh Stockholm và Helsinki đang cân nhắc khả năng gia nhập liên minh quân sự lớn nhất thế giới, với quyết định chính thức sẽ được đưa ra sau vài tuần tới. Theo đó, ông Medvedev khẳng định, trong trường hợp hai nước này gia nhập NATO, Nga sẽ phải tăng cường lực lượng trên bộ, hải quân và không quân ở Biển Baltic nhằm khôi phục cân bằng quân sự tại khu vực này. Bên cạnh đó, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga cũng ám chỉ khả năng răn đe hạt nhân khi đề cập sẽ không thể có thêm các cuộc đối thoại về một khu vực Baltic “phi hạt nhân”-nơi vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga nằm ở giữa Ba Lan và Litva. “Nếu chúng tôi buộc phải thực hiện, hãy lưu ý rằng đó không phải là đề xuất của chúng tôi”, ông Medvedev nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
 Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: Getty Images.

Trước đó, phát biểu với phóng viên nhân chuyến thăm tới Seoul (Hàn Quốc), Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO Rob Bauer cho biết khối quân sự này không loại trừ khả năng sẽ kết nạp thêm thành viên mới, nên các quốc gia như Thụy Điển và Phần Lan sẽ tự quyết định có muốn gia nhập hay không.

Liên quan đến tình hình tại Ukraine, cũng trong ngày 14-4, cả Moscow và Kiev đều thông báo mở các hành lang nhân đạo. Theo đó, người đứng đầu Trung tâm quản lý quốc phòng Nga Mikhail Mizintsev cho biết nước này tiếp tục duy trì các hành lang nhân đạo từ trước, nhấn mạnh Nga sẵn sàng thiết lập nhanh chóng các hành lang khác tại Ukraine theo bất kỳ hướng nào và bảo đảm an toàn cho hoạt động sơ tán người dân, đồng thời khẳng định các lực lượng vũ trang Nga cũng như các lực lượng ở Donetsk và Luhansk đã ngừng sử dụng vũ khí dọc các tuyến đường nhân đạo. Về phần mình, Phó thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho hay, 9 hành lang nhân đạo về phía Đông và Nam của nước này đã được mở sau khi bị đóng cửa một ngày vì các tuyến đường “quá nguy hiểm”. Theo AP, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cho biết đã đề xuất thiết lập một cơ chế gồm Nga, Ukraine, LHQ và các thực thể nhân đạo nhằm phối hợp ngăn ngừa nguy cơ các sự cố liên quan đến xung đột có thể xảy ra, trong đó có vấn đề sơ tán dân thường và nhân đạo. Người đứng đầu LHQ cũng kêu gọi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) nhanh chóng hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo đang phải vật lộn với khủng hoảng kinh tế do ảnh hưởng từ cuộc xung đột ở Ukraine.

Tuy nhiên, khi các cuộc đàm phán trực tuyến Nga-Ukraine vẫn tiếp tục nhưng chưa có thông tin về kết quả, “cuộc chiến trừng phạt qua lại” giữa Moscow và Mỹ cùng phương Tây không hề hạ nhiệt. Ngày 13-4, Nga thông báo trừng phạt đối với 398 nghị sĩ Mỹ nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt mà Washington thực hiện đối với nước này. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Nga cũng đã áp đặt trừng phạt 87 thượng nghị sĩ Canada. Mặt khác, Anh và Thụy Sĩ cũng mở rộng danh sách trừng phạt Nga liên quan đến vấn đề Ukraine. Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thông qua các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Moscow, trong đó có lệnh cấm nhập khẩu than đá, gỗ, hóa chất và tất cả các giao dịch với 4 ngân hàng Nga.

Tại một diễn biến liên quan, trong bài phỏng vấn của tờ El Mundo (Tây Ban Nha) số ra ngày 13-4, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell nhấn mạnh Brussels đang góp phần sớm giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ukraine. Ông Borrell nêu rõ, EU không góp phần làm tình hình giữa Nga và Ukraine thêm căng thẳng, đồng thời đang thực hiện những nỗ lực ngoại giao đáng ghi nhận nhằm giúp chấm dứt xung đột này càng sớm càng tốt. “EU không phải là bên khiến cuộc xung đột ở Ukraine lan rộng mà đang cố gắng kiềm chế nó... Và nó sẽ luôn kết thúc bằng các cuộc đàm phán”, quan chức ngoại giao hàng đầu EU khẳng định. Ít ngày trước, ông Borrell cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen có chuyến thăm Ukraine. Tại đây, các quan chức EU đã cam kết đẩy nhanh quy trình đưa Kiev gia nhập vào liên minh này. Một danh sách các vấn đề cần giải đáp cũng được Chủ tịch EC trao cho Tổng thống Ukraine. CNN nhận định, đây là một trong nhiều bước quan trọng để Ukraine hiện thực hóa “giấc mơ châu Âu”. Dẫu vậy, Chủ tịch EC từng thừa nhận, thông thường, một quốc gia muốn trở thành thành viên của EU phải mất vài năm để loại bỏ các rào cản.

VĂN HIẾU