Thông báo của Nhà Trắng cho biết, trong cuộc điện đàm ngày 11-4 giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hai nhà lãnh đạo đã cam kết củng cố quan hệ giữa hai nước thông qua hợp tác trên nhiều lĩnh vực như quân sự và công nghệ, năng lượng sạch, đồng thời mở rộng các mối quan hệ kinh tế và giao lưu nhân dân. Hai bên cũng nhấn mạnh cam kết chung tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và các khu vực khác trên thế giới.

Cũng tại cuộc điện đàm, Thủ tướng Narendra Modi cho biết ông tin rằng Mỹ sẽ đóng vai trò “không thể thiếu” đối với sự phát triển của Ấn Độ trong 25 năm tới, đồng thời đề cập đến sự ủng hộ của Ấn Độ đối với tiến trình hòa đàm giữa Nga và Ukraine. Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden bày tỏ mong muốn hai nước tiếp tục duy trì tham vấn về cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine.

leftcenterrightdel
Tổng thống Joe Biden cùng các quan chức của Mỹ và Ấn Độ trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Narendra Modi. Ảnh: Bangkok Post 

Theo hãng thông tấn PTI, sau cuộc điện đàm giữa ông Biden và ông Modi, tại Washington D.C các quan chức cấp cao của hai bên đã bước vào Đối thoại cấp bộ trưởng theo hình thức "2+2", với sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cùng những người đồng cấp Ấn Độ là Rajnath Singh và Subrahmanyam Jaishankar.

Chia sẻ tại cuộc họp báo sau đối thoại, Ngoại trưởng Mỹ Blinken khẳng định, Mỹ và Ấn Độ đang sát cánh cùng nhau thực hiện cam kết chung về việc duy trì một trật tự quốc tế tự do và dựa trên luật lệ. Cũng theo Ngoại trưởng Blinken, tại cuộc đối thoại lần này, hai bên thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó có tình hình xung đột tại Ukraine, đại dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng khí hậu, cải thiện hợp tác chống khủng bố, cùng với đó là việc duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương an ninh và thịnh vượng. Washington và New Delhi cũng đang hợp tác chặt chẽ trong phòng, chống dịch Covid-19 bằng cách cùng phát triển và sản xuất các loại vaccine an toàn, hiệu quả.

Ngoại trưởng Blinken cũng tiết lộ Mỹ, Ấn Độ đang cùng nỗ lực để có thể cung cấp thêm lương thực cho các thị trường thế giới trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine đang ảnh hưởng tới vấn đề an ninh lương thực toàn cầu và khiến giá cả leo thang.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Singh khẳng định Ấn Độ đặt ưu tiên hàng đầu cho quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ và nhấn mạnh rằng quan hệ đối tác quốc phòng lớn là một trong những trụ cột quan trọng nhất của quan hệ giữa hai nước. Ông Singh cũng kêu gọi Mỹ đầu tư vào Ấn Độ và hỗ trợ chương trình "Sản xuất tại Ấn Độ" (Make in India) cũng như lĩnh vực hàng không vũ trụ để cùng phát triển, hợp tác sản xuất.

Còn theo thông báo của Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin và các quan chức quốc phòng, ngoại giao của Ấn Độ đã trao đổi quan điểm về một loạt ưu tiên an ninh khu vực, từ Ấn Độ Dương, Đông Á và Đông Nam Á đến châu Âu. Hai bên cũng đồng ý cho rằng cần tiếp tục duy trì các cuộc tham vấn chặt chẽ về cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Ukraine, trong đó có cả các nỗ lực hỗ trợ nhân đạo.

Đáng chú ý, tại cuộc đối thoại, hai bên đã ký kết thỏa thuận về “Nhận thức tình hình không gian mới” nhằm tạo cơ hội cho sự hợp tác cao hơn giữa hai nước, đồng thời nhất trí khởi động Đối thoại trí tuệ nhân tạo quốc phòng và mở rộng các cuộc tập trận, huấn luyện chung về không gian mạng.

Hãng thông tấn PTI cho rằng, bất chấp đại dịch Covid-19, thời gian qua, Ấn Độ và Mỹ vẫn tiếp tục thúc đẩy hợp tác với nhiều dự án mới và điều này cho thấy chiều sâu cũng như quy mô ngày càng tăng của mối quan hệ quốc phòng song phương giữa hai nước

ANH VŨ