Ông Rakesh Gurung, Giám đốc Sở Du lịch địa phương của Nepal, nói với CNN: “Các công ty danh tiếng đã sử dụng chip theo dõi từ lâu, nhưng giờ đây nó là điều bắt buộc đối với tất cả những người leo núi. Việc gắn chip theo dõi sẽ giúp cắt giảm thời gian tìm kiếm và cứu hộ trong trường hợp xảy ra tai nạn”. Được sản xuất tại châu Âu, chip theo dõi sử dụng hệ thống định vị toàn cầu (GPS) để chia sẻ thông tin với vệ tinh. Theo ông Gurung, mỗi người leo núi sẽ phải trả từ 10 đến 15USD cho một con chip được gắn vào áo khoác. Khi họ trở về, con chip được gỡ ra và thu lại để người tiếp theo sử dụng.

leftcenterrightdel

Những người leo núi trong hành trình lên đỉnh Everest. Ảnh: AFP 

Phần lớn những người muốn leo lên đỉnh Everest cao 8.849m đều phải xuất phát từ Nepal và phải trả 11.000USD mỗi người cho giấy phép leo núi. Cộng thêm thiết bị, thực phẩm, oxy bổ sung, hướng dẫn viên và nhiều thứ khác, chi phí để lên núi là 35.000USD. 8 trong số 10 ngọn núi cao nhất thế giới đều nằm ở Nepal. Do đó, hoạt động leo núi mang lại doanh thu đáng kể cho ngành du lịch của quốc gia này.

Hành trình chinh phục Everest có thể mất tới 2 tháng tùy vào điều kiện thời tiết. Khoảng thời gian thích hợp nhất để tham gia hoạt động này thường là giữa tháng 5. Năm ngoái, Nepal đã cấp 478 giấy phép cho các nhà leo núi. Đây là con số kỷ lục. Đã có 12 trường hợp tử nạn và 5 trường hợp mất tích khi leo núi trong năm này. Công tác tìm kiếm và cứu hộ người gặp nạn trên núi Everest luôn tồn tại rủi ro, ngay cả trong những hoàn cảnh thuận lợi nhất.

DƯƠNG NGUYỄN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.