Động thái này mở đường cho việc Mỹ và các nước đồng minh áp mức thuế cao lên nhiều loại hàng hóa của Nga, gây áp lực cho nền kinh tế Nga vốn đang rơi vào suy thoái do các lệnh trừng phạt trước đó. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Nga sẽ rơi vào "suy thoái sâu" trong năm nay.

Theo Văn phòng đại diện thương mại Mỹ, năm 2019, Nga là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ 26 của Mỹ, với kim ngạch thương mại song phương khoảng 28 tỷ USD. Các mặt hàng nhập khẩu hàng đầu của Mỹ từ Nga bao gồm nhiên liệu, khoáng sản, kim loại quý, đá, sắt thép, phân bón và hóa chất vô cơ. Nếu bị tước quy chế “tối huệ quốc”, từ nay, tất cả mặt hàng của Nga sẽ bị áp mức thuế cao hơn nhiều so với trước đây.

Cùng với việc áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, Mỹ và các nước phương Tây cũng tăng cường thúc đẩy viện trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine.

Reuters ngày 11-3 dẫn nguồn tin cho hay, Mỹ và NATO đang vận chuyển vũ khí vào Ukraine với tốc độ chóng mặt, trong đó phải kể đến tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) có hiệu quả tác chiến cao, có thể tăng cường sức mạnh chiến đấu cho lực lượng vũ trang Ukraine. Trước đó, nhằm tránh một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bác bỏ đề xuất của Ba Lan đưa 28 chiến đấu cơ MiG-29 đến Căn cứ không quân Ramstein ở Đức, nơi Mỹ có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao số máy bay này cho quân đội Ukraine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 11-3 tuyên bố Mỹ cùng các nước EU và Nhóm G7 sẽ hủy bỏ quy chế “tối huệ quốc” đối với Nga. Ảnh: Profimedia Images. 

Về viện trợ kinh tế, Thượng viện Mỹ vừa bỏ phiếu thông qua gói viện trợ trị giá 13,6 tỷ USD dành cho Ukraine, trong đó có danh mục tài trợ đạn dược và các nguồn cung cấp quân sự khác, cũng như hỗ trợ nhân đạo cho Ukraine. Đặc biệt, 25 triệu USD trong gói viện trợ này được dành cho Cơ quan truyền thông toàn cầu Mỹ nhằm phát động chiến dịch “chống lại thông tin sai lệch trong các chương trình phát sóng tin tức ở nước ngoài”. Hiểu theo một cách khác, Mỹ dành sự quan tâm đặc biệt đến chiến tranh thông tin trong cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine.

Liên quan đến cuộc chiến về truyền thông, ngày 12-3, Hãng thông tấn Interfax dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết nước này vừa trao công hàm phản đối tới Đại sứ quán Mỹ tại Moscow về hành động của Meta Platforms (Meta)-công ty mẹ sở hữu Facebook và Instagram. Trước đó, Meta thông báo sẽ cho phép người dùng Facebook và Instagram ở một số quốc gia kêu gọi bạo lực đối với người Nga và binh lính Nga, cho phép đăng tải một số hình ảnh, lời nói bạo lực kêu gọi cái chết đối với Tổng thống Nga hoặc Tổng thống Belarus. Chính sách này được áp dụng tại Armenia, Azerbaijan, Estonia, Georgia, Hungary, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Romania, Nga, Slovakia và Ukraine. Đây được cho là hành động đi ngược lại chính sách của Meta trong các quy tắc về chống bạo lực và kích động thù hận.

Phản ứng ngay lập tức, Đại sứ quán Nga tại Washington bày tỏ sự phẫn nộ và cho rằng chính sách này của Meta có thể dẫn đến kích động thù địch đối với người Nga: "Chính sách hung hăng và vi phạm luật pháp của Meta dẫn đến kích động lòng căm thù và thù địch với người Nga, khiến chúng tôi phẫn nộ. Hành động của họ là một bằng chứng về phát động chiến tranh thông tin trên đất nước Nga. Các tập đoàn truyền thông đã trở thành tay sai cho bộ máy tuyên truyền của giới cầm quyền phương Tây. Chúng tôi yêu cầu các nhà chức trách Mỹ dừng ngay những hoạt động cực đoan của Meta và thực hiện các biện pháp bắt giữ những kẻ chịu trách nhiệm".

Bình luận trước vấn đề này, phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Stephane Dujarric cho biết, LHQ "phản đối mọi ngôn từ kích động thù địch và mọi lời kêu gọi bạo lực, bất kể từ phía nào”, RIA Novosti dẫn nguồn tin cho hay.

Đáp trả chính sách mới của Meta, Văn phòng Tổng công tố Liên bang Nga thông báo đang yêu cầu tòa án công nhận Meta là một tổ chức cực đoan và cấm tổ chức này hoạt động tại Nga, đồng thời tuyên bố chính thức áp đặt các hạn chế truy cập vào Instagram tại Liên bang Nga kể từ 0 giờ ngày 14-3.

Trong một diễn biến khác, ngày 11-3, Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ đã triệu tập một cuộc họp theo yêu cầu của Nga để thảo luận về các cáo buộc của Moscow rằng Mỹ đang tài trợ cho chương trình vũ khí sinh học tại Ukraine. Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia cáo buộc Kiev đã vận hành mạng lưới 30 phòng thí nghiệm thực hiện “các thí nghiệm sinh học rất nguy hiểm” nhằm mục đích lây lan “mầm bệnh virus” từ dơi sang người, bao gồm bệnh dịch hạch, bệnh than, bệnh tả và các bệnh gây chết người khác.

Tuy nhiên, kết luận tại cuộc họp, HĐBA LHQ bác bỏ tuyên bố của Nga về chương trình vũ khí sinh học tại Ukraine do Mỹ tài trợ. Tổng thư ký phụ trách các vấn đề giải trừ quân bị của LHQ Izumi Nakamitsu tuyên bố LHQ “không biết về bất kỳ chương trình vũ khí sinh học nào ở Ukraine”. 

Cũng trong ngày 11-3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong một bài phát biểu qua video đã bày tỏ sự thất vọng trước quyết định của các nhà lãnh đạo EU về việc chưa đồng ý kết nạp Ukraine vào khối này. Tại Hội nghị thượng đỉnh EU ở Versailles, Pháp đêm 10-3, rạng ngày 11-3, các nhà lãnh đạo EU đã lên án "nỗi đau không thể kể xiết" mà Nga đang gây ra cho Ukraine nhưng lại từ chối lời kêu gọi của Kiev về việc nhanh chóng gia nhập EU. 

Liên quan đến hoạt động quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, ông Rafal Trzaskowski, Thị trưởng thành phố Warsaw, Ba Lan ngày 11-3 đã lên tiếng kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế khi thành phố trở nên quá tải bởi người tị nạn từ Ukraine: “Chúng tôi đang đối phó với cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất trong lịch sử châu Âu kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai... Tình hình đang trở nên khó khăn hơn mỗi ngày..., thách thức lớn nhất vẫn đang ở phía trước”.

HÀ PHƯƠNG