Trong bài phát biểu được phát đi từ Nhà Trắng hôm 11-3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi các nước chấm dứt hoạt động thương mại với Nga và nói rằng Mỹ sẽ cấm nhập khẩu hải sản, rượu vodka và kim cương từ Nga như một biện pháp gia tăng trừng phạt với nước này vì cuộc tấn công vào Ukraine.
 |
Rượu vodka Nga sẽ bị cấm nhập khẩu vào Mỹ theo các sắc lệnh mới của chính quyền Tổng thống Biden. Ảnh: Reuters. |
Ông Biden nói rằng Mỹ, cùng với các nước G7 và Liên minh châu Âu, sẽ kêu gọi thu hồi quy chế "tối huệ quốc" đối với Nga. Quy chế “tối huệ quốc” có tên gọi chính thức là Quan hệ Thương mại Bình thường Vĩnh viễn (PNTR) ở Mỹ, mang ý chỉ hai quốc gia đã đồng ý hợp tác thương mại theo những điều kiện tốt nhất có thể, có thể bao gồm mức thuế thấp, ít rào cản hơn đối với hoạt động giao thương và đẩy mạnh hoạt động nhập khẩu hàng hóa của nhau. Việc xóa bỏ quy chế này với Nga sẽ phải được Quốc hội Mỹ thông qua, do đó thông tin trên sẽ được chuyển đến các nhà lập pháp ở cả lưỡng viện.
Theo Tổng thống Biden, việc thu hồi quy chế “tối huệ quốc” sẽ khiến Nga gặp khó khăn trong các hoạt động thương mại với Mỹ hơn và nếu điều này kết hợp với hành động của các quốc gia khác thì sẽ là thêm một đòn giáng mạnh nữa vào nền kinh tế Nga vốn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ và đồng minh.
Tổng thống Biden khẳng định Mỹ có thể bị chia rẽ trong nhiều vấn đề nhưng cần phải đứng về một phía để ủng hộ nền dân chủ ở Ukraine. “Thế giới tự do đang xích lại gần nhau hơn để chống lại Putin”, ông nói.
Trong bài phát biểu của mình, ông Biden tuyên bố Mỹ sẽ cấm nhập khẩu hàng hóa từ một số lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Nga, bao gồm thủy sản, rượu vodka và kim cương. Người đứng đầu Nhà Trắng nói rằng quyết định này sẽ khiến Nga mất đi hơn 1 tỷ USD doanh thu từ xuất khẩu mỗi năm.
Ngoài ra, Tổng thống Biden cũng sẽ ký một sắc lệnh chấm dứt việc xuất khẩu các mặt hàng xa xỉ - bao gồm rượu mạnh, thuốc lá, quần áo, đồ trang sức, xe hơi và đồ cổ - sang Nga.
Một quan chức Nhà Trắng đã nói với CNN rằng mục tiêu của những chính sách này là tiếp tục tác động đến các nhà tài phiệt và những người giàu có nhất nước Nga, những người thân cận với Tổng thống Putin, bằng cách tước đi “những tiện nghi” trong cuộc sống của họ. Hành động này cũng nhằm mục đích loại bỏ bớt cách thức mà giới tinh hoa Nga cất giữ tiền của họ, nhất là khi họ đã ngày càng xa rời với các thị trường tài chính truyền thống, quan chức này cho biết.
Mỹ đã nhập khẩu 48.867 tấn hải sản từ Nga vào năm 2021 với trị giá khoảng 1,2 tỷ USD, theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia. Cua biển là loại hải sản chiếm phần lớn nhất trong số các mặt hàng nhập khẩu này. Đặc biệt trong năm 2021, Mỹ đã nhập khẩu cua tuyết và cua hoàng đế đỏ từ Nga với tổng giá trị hơn 900 triệu USD. Mỹ không xuất khẩu bất kỳ loại hải sản nào trực tiếp cho Nga, vì nước này đã cấm nhập khẩu cá và hải sản của Mỹ kể năm 2014.
Nhập khẩu rượu vodka của Nga chỉ chiếm 1,3% tổng lượng rượu vodka nhập khẩu vào Mỹ trong năm 2021, tương đương với số tiền 18,5 triệu USD lợi nhuận cho các nhà xuất khẩu rượu từ nước này, theo thông tin từ Hội đồng rượu chưng cất Mỹ.
* Trước khi có bài phát biểu hôm 11-3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã dành 49 phút điện thoại với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và nói rõ về các biện pháp trừng phạt mới mà ông sắp công bố liên quan đến hoạt động thương mại của Mỹ với Nga, theo CNN.
Trong cuộc điện đàm dài nhất với nhà lãnh đạo Ukraine kể từ khi Nga tấn công vào nước này, ông Biden nhấn mạnh cách mà Mỹ đang thực hiện để từng bước chấm dứt quan hệ thương mại với Nga vì hành động tấn công vào lãnh thổ một quốc gia có chủ quyền như Ukraine.
Sau buổi điện đàm, Tổng thống Zelensky đã viết trên trang tweet của mình rằng ông đã thông báo tình hình chiến sự cho Tổng thống Biden, đồng thời nêu rõ về những “vi phạm nghiêm trọng” của Nga đối với dân thường Ukraine. Cũng tại cuộc điện đàm này, hai bên nhất trí về các bước tiếp theo để bảo vệ Ukraine và gia tăng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.
BẢO ANH