Tối muộn ngày 8-3 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức thông báo sẽ cấm nhập khẩu năng lượng của Nga, một lệnh trừng phạt được cho là cứng rắn nhất từ trước tới nay nhằm buộc Moscow phải xuống thang trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Mỹ và các quốc gia đồng minh châu Âu đang nỗ lực tìm biện pháp "cô lập" nền kinh tế Nga.
“Tôi thông báo rằng Mỹ đang nhắm mục tiêu vào huyết mạch chính của nền kinh tế Nga. Chúng tôi cấm tất cả các hoạt động nhập khẩu dầu khí và năng lượng của Nga”, ông Biden phát biểu tại Nhà Trắng.
 |
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters
|
Trước đó, Chính phủ Anh cũng tuyên bố sẽ giảm dần nhập khẩu dầu và chế phẩm từ dầu mỏ của Nga trước cuối năm nay, khẳng định biện pháp này sẽ giúp thị trường và các doanh nghiệp có đủ thời gian tìm phương án thay thế. Dầu từ Nga hiện phục vụ khoảng 8% nhu cầu tại Anh.
Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố kế hoạch cắt giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga. Theo Politico, với các biện pháp như tìm kiếm nguồn cung khí đốt mới, đầu tư mạnh tay cho các nguồn năng lượng tái tạo, EU dự kiến sẽ cắt giảm 2/3 nhu cầu nhập khẩu năng lượng từ Nga trong năm nay.
EU cũng kỳ vọng kế hoạch này có thể giúp các quốc gia châu Âu chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga trước năm 2030. Ủy ban châu Âu (EC) cho biết kế hoạch này dựa trên hai trụ cột: Đa dạng hóa nguồn cung khí đốt của EU để thay thế hàng nhập khẩu từ Nga trong ngắn hạn, đồng thời mở rộng quy mô đầu tư vào năng lượng tái tạo và các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong dài hạn./.
NGỌC THƯ
Theo CNBC, trong hôm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga.
Ngày 8-3, trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Interfax, ông Alexander Darchiyev, Giám đốc Vụ Bắc Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Nga, cho biết Moscow luôn ủng hộ việc duy trì đối thoại mang tính xây dựng với Washington về an ninh quốc tế và ổn định chiến lược.