Đây là chuyến thăm đầu tiên của bà tới lục địa này kể từ khi nhậm chức, với mục tiêu tập trung vào các vấn đề dân chủ, biến đổi khí hậu, an ninh, kinh tế, cũng như những tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Dư luận quốc tế đánh giá, nhiệm vụ của bà Harris khá nặng nề khi Washington đang gắng chứng minh cho các quốc gia châu Phi thấy Mỹ thực lòng muốn thúc đẩy hợp tác đầu tư với một lục địa nhiều tiềm năng, chứ không phải coi các quốc gia trong lục địa này là những con tốt trên bàn cờ chiến lược địa chính trị của Washington.

leftcenterrightdel
 Tổng thống Ghana Nana Akufo-Addo tiếp đón Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris tại Accra (Ghana), ngày 27-3. Ảnh: AP

Theo AP, bà Harris là người thứ 5 trong giới quan chức cao cấp của chính quyền Mỹ đến thăm châu Phi chỉ trong 3 tháng. Mới một tuần trước, ông Antony Blinken đã trở thành Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đến thăm Niger và công bố 150 triệu USD hỗ trợ nhân đạo cho khu vực Sahel của châu Phi và 331 triệu USD cho Ethiopia.

Vào tháng 2, đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden cũng đã đến Namibia và Kenya trong chuyến thăm kéo dài 5 ngày, tập trung vào vấn đề mất an ninh lương thực ở vùng Sừng châu Phi cũng như những thách thức mà thanh niên và phụ nữ châu Phi phải đối mặt. 

Sau chuyến thăm này, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ tuyên bố sẽ cung cấp hơn 126 triệu USD viện trợ lương thực cho Kenya. Trước đó, hồi tháng 1, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng đã có chuyến công du 10 ngày tới Senegal, Nam Phi và Zambia, trong khi Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield đã tới Ghana, Kenya và Mozambique.

Trong chuyến đi lần này, bà Harris công bố khoản hỗ trợ trị giá 100 triệu USD cho Benin, Ghana, Guinea, Côte d'Ivoire và Togo, nhằm giúp những quốc gia này giải quyết các vấn đề an ninh, quản trị và phát triển. Tháng 12 năm ngoái, tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi, Tổng thống Mỹ Joe Biden từng cam kết đầu tư 55 tỷ USD cho lục địa này trong 3 năm tới.

Chuyến thăm của bà Harris diễn ra vào thời điểm hầu hết các quốc gia châu Phi đang vật lộn để phục hồi sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 và tác động của xung đột Nga-Ukraine. Ghana, một trong những quốc gia an toàn và ổn định về chính trị nhất lục địa, đang quay cuồng với lạm phát tăng vọt hơn 50% và khủng hoảng nợ quốc gia.

Đất nước 34 triệu dân này cũng phải đối mặt với các mối đe dọa bất ổn khi các nước trong khu vực như Burkina Faso và Mali trải qua hai cuộc đảo chính trong những năm gần đây. Các cuộc tấn công của tổ chức khủng bố Al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo tại khu vực Sahel, phía Bắc Ghana đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số nhanh chóng gây ra nhiều hệ lụy, từ việc thiếu hụt nhân công, sụt giảm hiệu quả kinh tế, gánh nặng an sinh xã hội... thì châu Phi lại đang chiếm lợi thế nhờ dân số trẻ và tốc độ gia tăng dân số nhanh nhất toàn cầu, tạo ra tiềm năng to lớn về nguồn nhân lực. Cùng với tài nguyên khoáng sản phong phú, nơi đây dần trở thành điểm thu hút đầu tư và cạnh tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nga.

Tuy nhiên, theo nhận định của trang Africa News, Mỹ đã chậm chân trong việc tiếp cận châu Phi bởi trước đó, Bắc Kinh đã chi những khoản tiền lớn đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng mạng lưới viễn thông ở nhiều nước trong khu vực. 

Đổi lại, Trung Quốc được quyền khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản tại các quốc gia này. Thí dụ như Ghana đã có một thỏa thuận cơ sở hạ tầng trị giá 2 tỷ USD với một công ty Trung Quốc giúp phát triển đường sá và các dự án khác để đổi lấy quyền khai thác quặng nhôm.

Còn Nga-quốc gia kế thừa Liên Xô-trong bối cảnh chịu nhiều sức ép từ các lệnh trừng phạt bủa vây từ Mỹ và phương Tây, đã tận dụng tốt mối quan hệ lịch sử với châu Phi để tăng cường trao đổi thương mại và tạo dựng ảnh hưởng trong khu vực. Những nền tảng quan hệ mà Trung Quốc và Nga đã gây dựng được chính là một trở ngại lớn đối với nỗ lực của Washington nhằm lấy lại niềm tin của châu Phi, bởi lâu nay, Mỹ dường như ngày càng ít quan tâm đến châu lục này, có chăng chỉ là sự đánh giá thấp khu vực này như một lục địa nghèo đói với xung đột triền miên.

“Chậm còn hơn không”, dĩ nhiên Washington không dễ dàng từ bỏ nỗ lực kiềm chế sự hiện diện ngày càng tăng của Bắc Kinh và Moscow tại lục địa giàu tài nguyên này. Chuyến thăm của bà Harris gợi nhắc lại dư âm chuyến thăm Kenya và Ethiopia của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama vào năm 2015, vốn được nồng nhiệt đón nhận không chỉ từ các nhà lãnh đạo khu vực mà còn cả của những người dân châu Phi, bắt nguồn từ việc nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới có chung dòng máu từ khu vực này. Song có lẽ bầu không khí địa chính trị hiện nay đã khác nhiều so với 8 năm trước. 

Các nhà lãnh đạo châu Phi dường như không còn đặt nhiều niềm tin vào thiện chí của Washington, bất chấp những lời có cánh của Phó tổng thống Mỹ: “Chúng tôi mong chờ chuyến đi này như một minh chứng về mối quan hệ và tình bằng hữu quan trọng và lâu dài giữa người dân Mỹ và người dân châu Phi”, rằng, bà hy vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và an ninh lương thực ở châu Phi, đồng thời hoan nghênh cơ hội được “tận mắt chứng kiến sự đổi mới và sáng tạo phi thường đang diễn ra trên lục địa này”.

HÀ PHƯƠNG