Bài phát biểu về chính sách đối với Trung Quốc của Ngoại trưởng Blinken được trông đợi từ lâu trong bối cảnh sau hơn một năm cầm quyền, chính quyền Tổng thống Joe Biden chưa đưa ra một chính sách cụ thể để ứng phó với Trung Quốc-nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là đối thủ cạnh tranh chiến lược chính của Mỹ.
 |
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại Đại học George Washington ngày 26-5. Ảnh: AFP |
Trong bài phát biểu, Ngoại trưởng Blinken thừa nhận, quan hệ Mỹ-Trung Quốc là một trong những mối quan hệ phức tạp và gây tác động nhất trên thế giới hiện nay. “Chúng tôi không tìm kiếm xung đột hoặc một cuộc "Chiến tranh Lạnh" mới. Ngược lại, chúng tôi quyết tâm tránh cả hai. Chúng tôi không tìm cách ngăn cản vai trò là một cường quốc lớn của Trung Quốc hoặc ngăn cản bất cứ nước nào phát triển kinh tế hoặc thúc đẩy các lợi ích của người dân nước đó”, ông Blinken nói. Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, Washington sẽ không thỏa hiệp trong các nguyên tắc hợp tác với Bắc Kinh; cho rằng việc bảo vệ trật tự toàn cầu, bao gồm luật pháp và các hiệp định quốc tế, sẽ "giúp tất cả các quốc gia, trong đó có Mỹ và Trung Quốc, có thể cùng tồn tại và hợp tác".
Ông Blinken cũng phác thảo cách tiếp cận của Washington trong thời gian tới, gồm 3 thành tố “đầu tư, liên kết, cạnh tranh”. Với thành tố “đầu tư”, Mỹ sẽ gia tăng đầu tư nhằm củng cố nền tảng sức mạnh nội tại, bao gồm nâng cao sức cạnh tranh, khả năng sáng tạo và hoàn thiện nền dân chủ. Các biện pháp cụ thể là: Đầu tư hiện đại hóa cơ sở hạ tầng; đầu tư vào giáo dục và nâng cao chất lượng đội ngũ lao động; đầu tư cho công tác nghiên cứu, phát triển, các ngành sản xuất công nghệ cao, công nghệ sáng tạo, sản xuất chíp bán dẫn, củng cố chuỗi cung ứng... Với thành tố “liên kết”, Mỹ tiếp tục củng cố quan hệ với các đồng minh, đối tác nhằm thúc đẩy tầm nhìn chung cho tương lai. Với thành tố “cạnh tranh”, Ngoại trưởng Blinken đánh giá việc gia tăng đầu tư trong nước và tăng cường liên minh với đối tác, đồng minh để giúp Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc trên thế mạnh và vượt lên trong những lĩnh vực then chốt.
Bên cạnh chiến lược “đầu tư, liên kết, cạnh tranh”, Washington sẽ tiếp tục hợp tác với Bắc Kinh trong những lĩnh vực hai nước có chung lợi ích như biến đổi khí hậu, phòng, chống dịch Covid-19, chống phổ biến vũ khí hủy diệt, chống buôn bán và sản xuất ma túy, bảo đảm an ninh lương thực... Theo ông Blinken, một sự cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực năng lượng sạch sẽ mang lại lợi ích toàn cầu. Ngoại trưởng Blinken cho rằng, Trung Quốc và Mỹ cần phải duy trì sự hợp tác cùng nhau và hợp tác với các nước khác trong vấn đề chương trình hạt nhân của Iran và Triều Tiên.
Cuối bài phát biểu, ông Blinken khẳng định, Mỹ và Trung Quốc sẽ hợp tác khi có thể, cạnh trạnh nếu cần thiết và Mỹ không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc. Ông Blinken nhấn mạnh, không có lý do gì để hai nước không thể cùng tồn tại hòa bình, chia sẻ và đóng góp cho sự tiến bộ của nhân loại. Nhân dịp này, Ngoại trưởng Blinken đã thông báo thành lập nhóm liên vụ trong Bộ Ngoại giao Mỹ với chức năng điều phối và triển khai chính sách đối với Trung Quốc.
Phát biểu của Ngoại trưởng Blinken về chính sách đối với Trung Quốc được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Joe Biden kết thúc chuyến công du đầu tiên tới châu Á. Tại chặng dừng chân ở Nhật Bản, ngày 23-5, Tổng thống Joe Biden đã công bố Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF), một thỏa thuận đa phương được Washington khởi xướng nhằm tăng cường quan hệ thương mại với các nền kinh tế ở châu Á.
PHƯƠNG VŨ