Hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương diễn ra trong hai ngày 28 và 29-9, giờ địa phương, với sự tham dự của lãnh đạo, đại diện các quốc đảo Thái Bình Dương. Tại hội nghị, chính quyền của Tổng thống Joe Biden nêu rõ "những thách thức cấp bách" đã thúc đẩy Washington hoạch định chiến lược quốc gia đầu tiên dành cho các quốc đảo Thái Bình Dương, thực hiện "cam kết rộng rãi và sâu sắc hơn" với khu vực này, đồng thời khẳng định đây là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nhà Trắng. Trong số các thách thức được đề cập có cuộc khủng hoảng khí hậu, nạn đánh bắt cá trái phép và ngành du lịch bị tổn thất do đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, năng lực an ninh của các quốc đảo Thái Bình Dương cũng là một trong những yếu tố then chốt mà Mỹ sẽ tăng cường hỗ trợ đi đôi với việc đầu tư cơ sở hạ tầng trên toàn khu vực này, trong đó có mạng lưới giao thông thân thiện với môi trường. Nhà Trắng cũng cho biết, trong kế hoạch mới nhất, Mỹ dự định sẽ mở thêm đại sứ quán tại các quần đảo Thái Bình Dương, nâng từ mức 6 đại sứ quán hiện nay lên 9 cơ quan ngoại giao.
 |
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và các quốc đảo Thái Bình Dương tại Washington. Ảnh: AP |
Điểm nhấn của hội nghị là việc Mỹ công bố Chiến lược đối tác Thái Bình Dương, trong đó khẳng định Washington sẽ hợp tác với các quốc đảo Thái Bình Dương để giúp các nước này thích nghi và xử lý khủng hoảng khí hậu-“mối đe dọa sống còn” đối với cuộc sống, sức khỏe và sinh kế của họ. Mỹ cũng sẽ tăng cường hiện diện ngoại giao và quốc phòng trong khu vực, tìm cách giúp đối phó với ô nhiễm biển, đánh bắt cá trái phép, buôn bán ma túy và củng cố an ninh cảng biển, hợp tác với các đối tác trong việc nâng cấp cáp ngầm và thúc đẩy quan hệ đối tác viễn thông “an toàn và đáng tin cậy”.
Một trong những kết quả quan trọng mà các bên đạt được tại hội nghị, đó là việc Mỹ tuyên bố sẽ lập một quỹ tài trợ mới trị giá 810 triệu USD cho các quốc đảo ở Thái Bình Dương và có kế hoạch khởi động đàm phán thương mại vào cuối năm nay. Nhà Trắng nêu rõ, 600 triệu USD sẽ được phân bổ dưới dạng gói hỗ trợ 10 năm để làm sạch các vùng nước ô nhiễm, qua đó giúp phát triển nghề cá. Với các quốc gia Thái Bình Dương dễ tổn thương nhất do nước biển dâng và các tác động khác của tình trạng biến đổi khí hậu, chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ chi hơn 20 triệu USD cho công tác tăng cường năng lực dự báo các hiện tượng thời tiết cực đoan trong vùng.
Ngoài ra, 50 triệu USD sẽ được chi để hỗ trợ trực tiếp cho các quốc đảo thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Washington cũng sẽ tổ chức một cuộc đối thoại thương mại và đầu tư với các quốc đảo này nhằm thúc đẩy thương mại và tháo gỡ các rào cản tiếp cận thị trường. Một quan chức Mỹ tiết lộ, nước này sẽ làm việc với các đối tác Thái Bình Dương để tổ chức cuộc đối thoại nói trên vào cuối năm nay, thảo luận về các mục tiêu kinh tế khả thi cũng như các nhu cầu đầu tư và tiếp cận thị trường trong năm 2023.
Các nhà lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương hoan nghênh cam kết trên của Mỹ, đồng thời khẳng định điều này sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác giữa hai bên trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thương mại-đầu tư, chống biến đổi khí hậu...
PHƯƠNG VŨ