Ngày 6-4, AP đưa tin, Mỹ, Anh và Australia đã cam kết sẽ hợp tác phát triển tên lửa siêu thanh như một phần của hiệp ước an ninh giữa 3 nước (AUKUS). Trong một tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo 3 nước cho biết, lĩnh vực hợp tác mới bao gồm vũ khí siêu thanh, chống vũ khí siêu thanh và năng lực tác chiến điện tử.

Tháng 9 năm ngoái, Mỹ, Anh và Australia đã khởi động quan hệ đối tác an ninh 3 bên AUKUS. Một trong những sáng kiến lớn đầu tiên đáng chú ý của AUKUS là Australia sẽ xây dựng một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với sự giúp đỡ của Mỹ và Anh. Thông qua quan hệ đối tác an ninh, 3 nước cũng đang hợp tác về công nghệ mới nổi như không gian mạng, trí tuệ nhân tạo và công nghệ lượng tử. Việc mở rộng hợp tác về phát triển vũ khí siêu thanh có thể là bàn đạp để Mỹ và hai quốc gia đồng minh thúc đẩy các ưu tiên chiến lược về an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Minh họa về tên lửa siêu thanh. Ảnh: Raytheon Missiles & Defense 

Đối với Canberra, việc phát triển tên lửa siêu thanh hoàn toàn phù hợp với chiến lược mà nước này đưa ra cách đây hai năm nhằm nâng cao năng lực tấn công tầm xa của quân đội Australia. Thủ tướng Australia Scott Morrison từng khẳng định mục tiêu tối quan trọng là bảo đảm  Australia sở hữu loại vũ khí này sớm nhất có thể.

Trong số các quốc gia đang theo đuổi cuộc đua vũ khí siêu thanh, Nga được cho là một nhân tố “đáng gờm”. Mới đây, Moscow đã lần đầu tiên sử dụng tên lửa siêu thanh Kinzhal để phá hủy một số cơ sở hạ tầng quân sự của đối phương trong cuộc xung đột tại Ukraine. Kinzhal là tổ hợp tên lửa hàng không mới nhất của Nga, bao gồm máy bay tác chiến MiG-31K và tên lửa siêu thanh Kh-47M Kinzhal có tốc độ Mach 10. Tên lửa siêu thanh đời mới của Nga có thể mang đầu đạn thông thường hoặc đầu hạn hạt nhân, với tải trọng lên tới 480kg.

Ngoài Nga, nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Mỹ, Australia, Triều Tiên... cũng đang theo đuổi các chương trình phát triển vũ khí siêu thanh. Đáng chú ý, gần đây, một nguồn tin quân sự giấu tên đã tiết lộ với CNN rằng hồi tháng 3 vừa qua, Mỹ đã thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh HAWC do Tập đoàn Lockheed Martin chế tạo, nhưng vẫn giữ kín để tránh leo thang căng thẳng với Nga trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine vẫn đang tiếp diễn.

Vũ khí siêu thanh có tốc độ khi bay nhanh gấp 5-10 lần tốc độ âm thanh, tương đương với tốc độ Mach 5-Mach 10. Chúng được cho là có thể dễ dàng "qua mặt" các hệ thống phòng thủ tên lửa thông thường vì có thiết kế ưu việt giúp đổi hướng bay, không đi theo quỹ đạo hình vòng cung có thể dự đoán trước như tên lửa thông thường. Tầm bắn cũng là một ưu thế lớn khác của tên lửa siêu thanh, như mẫu Kinzhal có tầm bắn từ 1.500-2.000km, một số loại khác tầm bắn khoảng 1.000km.

Vũ khí siêu thanh được nhiều quốc gia xem là “con át chủ bài” trong các cuộc tấn công phủ đầu nhằm xuyên thủng hệ thống phòng ngự của đối phương. Nhiều chuyên gia lập luận rằng việc Mỹ cùng các đồng minh quyết định hợp tác trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh có thể tạo ra nhân tố mới khiến cuộc đua này ngày càng trở nên gay gắt hơn. Ngoài ra cũng có quốc gia lo ngại đây có thể là nhân tố thổi bùng một cuộc khủng hoảng tương tự như cuộc xung đột Ukraine tại những nơi khác trên thế giới.

HÙNG HÀ