Theo trang Spectrumnews1, Edward, nhân viên kế toán tại một cửa hàng tạp hóa ở Manhattan để ý rằng chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 3-2022, giá cam đã tăng từ 1,29USD lên 1,59USD. Giải thích về sự tăng giá đột ngột này, người quản lý cửa hàng nơi Edward đang làm việc nói rằng giá dầu diesel dùng cho xe tải giao hàng tăng lên đã khiến giá cam cũng tăng theo.
Nhưng có lẽ thực phẩm không phải mối lo duy nhất của nhiều người Mỹ. Kathy Huang, hiện đang sinh sống và làm việc ở Los Angeles, kể rằng cô vừa phải chuyển đến một căn hộ rẻ tiền hơn vì giá thuê căn hộ hai phòng ngủ mà cô sống trước đây đã tăng từ 2.750USD/tháng lên hơn 3.200 USD/tháng. "Mọi thứ bây giờ đều quá đắt, thức ăn, xăng, mọi thứ. Hóa đơn hằng tháng của tôi đã tăng từ khoảng 500USD lên hơn 700USD", người phụ nữ 35 tuổi này than thở.
 |
Nhiều người dân Mỹ than phiền giá hàng hóa tăng cao (ảnh chụp tại khu Harlem của Manhattan, TP New York) Ảnh: REUTERS |
Theo báo cáo mà Bộ Lao động Mỹ mới công bố, lạm phát tại nước này trong tháng 2-2022 đã đạt mức cao nhất trong vòng 40 năm qua, với Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cũng đồng nghĩa rằng người dân tại nền kinh tế số một thế giới phải chi trả nhiều hơn cho việc mua sắm thực phẩm, thuốc men hay các nhu yếu phẩm khác. Ngay cả những chiếc sandwich hay pizza, vốn là thứ đồ ăn phổ biến và rẻ tiền tại Mỹ, giờ đây cũng tăng giá.
Sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, cuộc khủng hoảng ở Ukraine cộng với hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19 là những nguyên nhân khiến giá cả không ngừng tiếp tục leo thang tại Mỹ. Và dĩ nhiên, không chỉ riêng nước Mỹ mà rất nhiều quốc gia khác cũng đang phải đối mặt với tình trạng tương tự.
Nhìn chung, đa số người Mỹ đều bị ảnh hưởng bởi giá cả gia tăng, song nặng nề nhất là tầng lớp những người có hoàn cảnh khó khăn và thu nhập thấp. Kết quả khảo sát chi tiêu của người tiêu dùng do Bộ Lao động Mỹ công bố cho thấy, cứ 5 người Mỹ thì lại có một người phải chi trả tới 83% thu nhập của mình cho vấn đề nhà ở. Đó là chưa kể họ còn phải chắt bóp hầu bao cho những vấn đề khác như đi lại, thực phẩm... Rebecca Nicholson, sinh sống tại vịnh Sturgeon, cho biết khi giá của mọi mặt hàng đều tăng, cô buộc phải đối mặt với một số lựa chọn khó khăn để sống qua ngày. Cô nói: “Có lúc tôi đã phải đưa ra quyết định đầy thách thức, đó là từ bỏ một số khoản chi tiêu rồi cố gắng bắt kịp sau một tháng. Mọi thứ đã thực sự rất khó khăn”.
Kết quả cuộc thăm dò do hãng Gallup được thực hiện cho thấy, đa số người dân Mỹ nói rằng mối quan tâm kinh tế lớn nhất của họ hiện nay là lạm phát gia tăng. Tương tự, theo kết quả khảo sát mà Harvard CAPS/Harris Poll thực hiện và công bố ngày 29-3 vừa qua, lạm phát là vấn đề mà cử tri Mỹ lo lắng nhất hiện nay. Trong đó, 76% người được hỏi cho biết đã bị ảnh hưởng ít nhiều bởi vấn đề lạm phát và 46% bày tỏ lo ngại rằng lạm phát sẽ còn tăng cao hơn nữa. Còn với Nicholson, những thách thức lớn nhất đối với túi tiền của cô giờ đây là giá thực phẩm và xăng dầu.
Khi nghe những lời than phiền ấy, có cảm giác như chưa bao giờ người dân ở nền kinh tế số một thế giới lại phải đau đầu với bài toán cơm áo gạo tiền như lúc này.
CHÂU ANH