Theo Cục Thống kê Indonesia (BPS), chi tiêu bình quân đầu người hằng tháng vào thuốc lá và thuốc lá sợi ở mức 94.476 rupiah (5,7USD) vào tháng 3-2024. Con số này đưa thuốc lá trở thành mặt hàng chi tiêu liên quan đến thực phẩm lớn thứ 3, sau thực phẩm chế biến và ngũ cốc. Có một thực tế, tại đất nước vạn đảo, thuốc lá thường thay thế các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, đặc biệt là ở các hộ nghèo và cận nghèo.
Cũng theo BPS, tỷ lệ hút thuốc tăng đáng kể từ tuổi vị thành niên và vẫn ở mức cao ở những người đang trong độ tuổi lao động, đặc biệt là từ 30 đến 49 tuổi. Đây là nhóm tuổi thường gánh vác trách nhiệm kinh tế cho gia đình nên việc họ phân bổ chi tiêu cho thuốc lá sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu dinh dưỡng của những người phụ thuộc như con cái, cha mẹ già...
 |
Ảnh minh họa: TTXVN |
Sử dụng dữ liệu từ khảo sát kinh tế-xã hội quốc gia tháng 3-2024, BPS đã phân tích cách hành vi hút thuốc tương tác với lượng dinh dưỡng hấp thụ giữa các tầng lớp kinh tế. Kết quả phân tích cho thấy những cá nhân trong gia đình có người hút thuốc tiêu thụ ít calo và ít protein hơn đáng kể so với những người trong gia đình không có người hút thuốc. Điều này tồn tại ở tất cả các nhóm thu nhập, nhưng khoảng cách dinh dưỡng rõ rệt nhất ở những hộ thu nhập thấp.
Khi thuốc lá trở thành một khoản chi tiêu thường xuyên, không chỉ là vấn đề rủi ro cho sức khỏe mà còn là về mặt kinh tế. Trứng, rau, cá và sữa không chỉ là thực phẩm mà còn là nền tảng phát triển về thể chất và trí tuệ. Việc thiếu những thực phẩm này trong chế độ tiêu thụ hằng ngày sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng, suy giảm khả năng miễn dịch, phát triển nhận thức kém và mất năng suất lâu dài.
Để tránh bẫy suy dinh dưỡng do tình trạng hút thuốc lá, Indonesia đã tăng dần thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá theo từng năm và đầu tư vào các chương trình cai thuốc lá, nhưng như vậy là chưa đủ. Các nỗ lực chống suy dinh dưỡng cũng đã nhận thấy vai trò của việc can thiệp hành vi ở cấp độ gia đình. Trong nhiều hộ gia đình ở Indonesia, phụ nữ quản lý khoản chi tiêu cho thực phẩm nên họ phải gánh vác việc cân bằng ngân sách eo hẹp để bảo đảm cung cấp đủ dinh dưỡng vốn không đơn giản, bởi một phần thu nhập được chi cho thuốc lá. Trao quyền cho phụ nữ với khả năng kiểm soát tài chính lớn hơn, bảo vệ pháp lý mạnh mẽ hơn chính là điều Indonesia cũng đang hướng tới.
Các chương trình bảo trợ xã hội tại Indonesia cũng nhận ra cần phải tinh tế hơn. Các khoản chuyển tiền mặt có điều kiện không chỉ khuyến khích việc đi học hoặc khám thai mà còn phải chủ động ngăn chặn việc tiêu thụ thuốc lá của hộ gia đình. Điều này có thể thực hiện được bằng cách lồng ghép nội dung giáo dục, khuyến khích chi tiêu dựa trên dinh dưỡng hoặc điều kiện hóa những lợi ích khi tham gia các buổi cai thuốc lá.
Đặc biệt, đầu năm nay, Indonesia đã triển khai chương trình cung cấp bữa trưa miễn phí cho gần 83 triệu người dân nước này trong 5 năm. Để thực hiện chương trình này, Cơ quan Dinh dưỡng quốc gia Indonesia đã thành lập các cơ sở dịch vụ tại nhiều vùng trên cả nước, với mỗi bếp ăn phục vụ khoảng 3.000 người.
Chương trình bước đầu được người dân hồ hởi đón nhận. Theo bà Hana Yohana, phụ huynh của một học sinh lớp 1 mong chương trình sẽ tiếp tục vì nó giúp giảm bớt công việc vào buổi sáng của bà vì không phải bận rộn chuẩn bị đồ ăn cho gia đình. Tuy nhiên, chương trình này cũng vấp phải sự hoài nghi từ một số nhà phân tích. Nhà nghiên cứu Nailul Huda từ Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và luật cho rằng, Indonesia không có đủ năng lực tài chính cho chương trình và có thể làm tăng nợ quốc gia. Ông cũng cảnh báo kế hoạch này có thể làm trầm trọng thêm cán cân thanh toán quốc tế của Indonesia-vốn là một nước nhập khẩu lớn về gạo, lúa mì, đậu nành, thịt bò và các sản phẩm từ sữa.
Trong khi đó, Tổng thống Indonesia đang cân nhắc các biện pháp để mở rộng tiếp cận chính sách trên tới gần 83 triệu dân trong số 280 triệu dân vào cuối năm 2025, sớm hơn nhiều so với mục tiêu ban đầu là năm 2029. Indonesia đã có kế hoạch dành 71.000 tỷ rupiah trong ngân sách năm 2025 để chi cho chương trình bữa trưa, dự kiến sẽ sớm bao phủ tới 17 triệu người.
Không chỉ gặp thách thức về vấn đề tài chính, chương trình còn vấp phải sự phản đối của một bộ phận cộng đồng dân cư. Hơn 1.000 phụ huynh và học sinh tại Enarotali, thủ phủ của huyện Paniai, tỉnh Trung Papua, Indonesia, muốn Chính phủ miễn học phí thay cho bữa ăn trưa miễn phí. Nhiều học sinh và phụ huynh cho rằng chương trình này không giải quyết được các vấn đề cơ bản của khu vực, đặc biệt là việc thiếu cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng. Ông Alpius Tebai, điều phối viên Liên minh Sinh viên Paniai nhấn mạnh: “Điều chúng tôi thiếu là giáo dục, không phải bữa ăn”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, chính sách này thiếu sự tham gia của cộng đồng địa phương trong việc hoạch định và áp dụng, khiến nó không phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân Papua.
MAI NGUYÊN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.